anh vien chuan

Viện Âm nhạc tổ chức nghiệm thu công trình khoa học cấp cơ sở năm 2017

27-01-2018, 18:20

Ngày 9-1-2018, Viện Âm nhạc tổ chức nghiệm thu 3 đề tài khoa học:“Âm nhạc Lễ hội Kin Chiêng Boóc Mạy của người Thái, huyện Bá Thước - Thanh Hóa” của Thạc sĩ Nguyễn Vương Hoàng;“Hợp xướng và nhạc kịch của Nhạc sĩ Lê Ca Thuần” của Thạc sĩ Lương Thị Hồng Thắm; “Đưa Hát Xoan vào chương trình đào tạo âm nhạc của Khoa Sư phạm Nhạc Họa Trường Trung cấp Văn hóa Du lịch Phú Thọ” của Thạc sĩ Đào Thị Hồng Lê. Ba đề tài thuộc ba lĩnh vực nghiên cứu khác nhau:

Âm nhạc Lễ hội Kin Chiêng Boóc Mạy của người Thái, huyện Bá Thước - Thanh Hóa”đi chuyên sâu về dân tộc nhạc học. Kế thừa tư liệu từ dự án “Khảo sát, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật các dân tộc tiểu vùng sông Mã” của Viện Âm nhạc thực hiện năm 2000 và để hoàn thiện công trình này tác giả đã dày công ký âm, phân tích, trình bày chúng trong mối tương quan với văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán. Công trình đã cho người đọc thấy được “bức tranh toàn cảnh” về âm nhạc trong Lễ hội Kin Chiêng Boóc Mạy của người Thái ở huyện Bá Thước - Thanh Hóa.

Nhạc sĩ Lê Ca Thuần, người gắn bó với quá trình phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên. Do vậy, lựa chọn nghiên cứu “Hợp xướng và nhạc kịch của Nhạc sĩ Lê Ca Thuần” theo hướng chuyên sâu về âm nhạc học đã chứng minh được sức sáng tạo của nhạc sĩ trong việc sử dụng những thể loại âm nhạc nước ngoài để chuyển tải những đề tài rộng lớn về quê hương đất nước, thấm đẫm hồn cốt dân tộc.

Ở lĩnh vực giáo dục âm nhạc, công trình “Đưa Hát Xoan vào chương trình đào tạo âm nhạc của Khoa Sư phạm Nhạc Họa Trường Trung cấp Văn hóa Du lịch Phú Thọ” chú trọng vào nghiên cứu việc dạy và học nhạc để chỉ ra thực trạng và những bất cập. Từ đó tác giả đưa giải pháp giúp việc dạy và học trở nên thiết thực hơn, gắn liền với quá trình bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc của địa phương. Tác giả đã khẳng định tính khả thi của những giải pháp khi đưa một số làn điệu Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào giờ học hát dân ca, học xướng âm, học lý thuyết âm nhạc… cũng như sử dụng âm nhạc Hát Xoan trong một số hoạt động ngoại khóa bằng kết quả thực nghiệm.

Hội đồng nghiệm thu thống nhất thông qua các công trình trên, đồng thời ghi nhận những lỗ lực nghiên cứu ở các tác giả. Bởi bên cạnh lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu về âm nhạc dân gian - mảng nội được Viện Âm nhạc quan tâm nhiều năm qua thì lĩnh vực nghiên âm nhạc học và giáo dục âm nhạc còn khiêm tốn, cần được khích lệ, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

 

                                                                   NGUYỄN HIỀN ĐỨC

Thêm một trao đổi