Khắc sâu tư tưởng 'văn hóa là hồn cốt của dân tộc'
Người khắc sâu tư tưởng 'văn hóa là hồn cốt của dân tộc' – đây là ấn tượng bao trùm và nổi bật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chia sẻ của Giáo sư Jayachandra Reddy, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đón Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân
trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ngày 20/11/2018. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Khẳng định Tổng Bí thư không chỉ là “ngọn cờ lý luận” của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, Giáo sư Reddy đã đại diện cho sự khâm phục và tình cảm kính trọng của cộng đồng quốc tế đối với một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa và một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tư tưởng văn hóa của Tổng Bí thư đã được lan tỏa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc,... Văn hóa còn thì Dân tộc còn”. Đây chính là sự kế thừa tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ, như nhận định của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavath Lengsavath rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "học trò ưu tú" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy mọi tư tưởng, trong đó có văn hóa. Đó là quan điểm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhất là khi giao lưu văn hóa phát triển mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định, “di sản tinh thần” quý báu mà Tổng Bí thư để lại cho đất nước chính là đóng góp to lớn và quan trọng trong phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với điều kiện và tình hình của đất nước.
Tiếp nối quan điểm xuyên suốt của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi việc xây dựng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, bệ phóng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, qua đó giúp nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Với quan điểm này, Việt Nam mở rộng quan hệ và giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó tăng cường các liên kết quốc tế và tận dụng điều này để xây dựng và phát triển đất nước, mang lại đời sống ấm no cho người dân. Đây cũng chính những điều để lại ấn tượng nhất đối với cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Susan Boyd (nhiệm kỳ 1994-1998).
Tổng Thư ký đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ G. Devarajan đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng ngoại giao văn hóa để kết nối Việt Nam và thế giới, đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân để vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác quốc tế giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc khác.
Đây cũng là nhận định của ông Giulio Chinappi, Phụ trách khu vực châu Á của Nhà xuất bản Anteo Edizioni, cơ quan đã xuất bản bản dịch tiếng Italy tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông Chinappi, Tổng Bí thư sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo tương lai ở trong và ngoài nước, để “viết tiếp” những trang mới trong sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt Nam trên thế giới.
Việc bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, hồn cốt dân tộc Việt Nam còn được thể hiện qua đường lối “ngoại giao cây tre” – một lý luận mà Tổng Bí thư đúc kết và kế thừa từ tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Cho Chul Hyeon - tác giả cuốn sách “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” được xuất bản tại Hàn Quốc trung tuần tháng 5/2024, cho rằng việc gắn hình ảnh cây tre mang hồn cốt của văn hóa và truyền thống dân tộc trong công tác đối ngoại truyền đi một thông điệp rằng Việt Nam sẽ tiếp thu có chọn lọc văn minh tiến bộ của thế giới trên nền tảng kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.
Một khía cạnh nữa của văn hóa và được Tổng Bí thư coi là trọng tâm, chính là giá trị văn hóa đạo đức của con người. Tổng Bí thư thường răn dạy cán bộ, đảng viên đề cao đạo đức, tránh thói hư tật xấu, nạn tham nhũng quan liêu. Bản thân Tổng Bí thư luôn thực hành đạo đức cách mạng và nhân cách mẫu mực. Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), ông Gennady Zyuganov, người không chỉ cùng chí hướng mà còn là bạn học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời Liên Xô, đã chia sẻ: “Cảm ơn nhân dân Việt Nam đã sinh ra một nhà lãnh đạo cộng sản tài giỏi, am hiểu, cần cù, chân thành và xứng đáng”.
Đối với Tiến sĩ Ruvislei González Saéz, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba (CIPI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương soi mình của hệ thống xã hội ở mọi quốc gia độc lập cũng như của cộng đồng quốc tế, không chỉ bởi phong cách, mà còn bởi sự khiêm tốn, giản dị, thanh bạch. Theo Tiến sĩ Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thế giới và người dân Việt Nam thấy rằng người lãnh đạo cần phải trong sạch, khiêm nhường, một thế giới tốt đẹp hơn luôn xuất phát từ sự giản đơn, đoàn kết, những đức tính giản dị mà cao quý của một nhà lãnh đạo, từ đó thu hút được niềm tin tuyệt đối của người dân trong và ngoài nước.
Trong ký ức của kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới, hình ảnh Tổng Bí thư luôn được nhớ đến và kính trọng như một nhà lãnh đạo với nhân cách lớn. Những người Việt xa xứ từng được gặp Tổng Bí thư đều nhắc lại rằng sự quan tâm tận tình và những chia sẻ quý báu của Tổng Bí thư đã củng cố mạnh mẽ tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, hướng về quê hương nguồn cội và niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Là nhà nghiên cứu khoa học và đã vinh dự được tham gia đóng góp ý kiến về tuyển tập “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” tại LB Nga cảm thấy thấm thía những nội dung giản dị mà thấm đượm cốt cách văn hóa Việt Nam qua tác phẩm của Tổng Bí thư, trở thành điều tâm niệm trong sâu thẳm tâm hồn của ông: Đó là dù đi đâu, làm gì, mỗi người đều phải nhớ mình là người Việt Nam, đến từ đất nước "hình chữ S" thân thương, với những phẩm chất đạo đức được bạn bè quốc tế tôn trọng và đánh giá cao. Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga, giảng viên Đại học Đường sắt Moskva (MITT) Trần Phú Thuận ghi nhớ khá nhiều ấn tượng và kỷ niệm vô giá khi 4 lần được gặp Tổng Bí thư. Điều khiến ông có ấn tượng sâu sắc nhất chính là phong cách Tổng Bí thư toát lên tấm gương sáng ngời về đạo đức, một sự gần gũi và bình dị để có thể chiếm trọn cảm tình của mọi người.
Lời căn dặn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "văn hóa là hồn cốt của Dân tộc,..." luôn vang vọng mãi, cho hôm nay và mai sau, bồi đắp thêm cho sức mạnh nội sinh của dân tộc.