Sức sống làng Xoan lan tỏa và trường tồn
Niềm vinh dự, tự hào ấy làm cho các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan càng vui mừng. Các nghệ nhân và các cháu “mê” Hát Xoan càng náo nức như được tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ.
Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ Vua, đến nay, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của Hát Xoan; thông qua biểu diễn hát Xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng tại các vùng Xoan ngày càng bền chặt, có thể khẳng định, chính nhân dân tại cộng đồng giữ vai trò chính trong việc bảo tồn nghệ thuật Hát Xoan.
Tuy vậy, từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Hát Xoan không được duy trì thường xuyên, việc truyền dạy Hát Xoan chủ yếu phát triển tự phát, do không có điều kiện và môi trường phát huy. Nhận thức được giá trị qúy báu của di sản, trước thực trạng di sản Hát Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền bởi giới trẻ không được truyền dạy kịp thời và các nghệ nhân đang mất dần do tuổi cao, sức yếu, môi trường trình diễn Hát Xoan là các di tích, một số bị mất hoàn toàn, số còn lại phần lớn đã xuống cấp, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân chưa được quan tâm, thiếu các kế hoạch bảo tồn. Năm 2009, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng các phường Xoan thực hiện việc truyền dạy, phục hồi kịp thời di sản Hát Xoan và xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và UNESSCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Ngày 24/11/2011, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESSCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quyết định ghi nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Niềm vui thật lớn lao đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ - nơi sinh ra di sản Hát Xoan nói riêng và cả người dân Việt Nam nói chung.
Niềm vinh dự, tự hào ấy làm cho các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan càng vui mừng. Các nghệ nhân và các cháu “mê” Hát Xoan càng náo nức như được tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch phường Xoan An Thái nói: “Đây sẽ là bước đột phá mới để cho các nghệ nhân chúng tôi yên tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ để hát Xoan không bị mai một mà tiếp tục phát triển mạnh trong cộng đồng dân cư…”.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đồng tâm, nhất trí cùng với những người dân vùng Xoan tích cực triển khai việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, làm cho nghệ thuật Hát Xoan được lan tỏa, thêm sức sống mãnh liệt. Trong những nỗ lực bảo tồn di sản, ngày 07/11/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khẳng định mục tiêu của Đề án là: Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng để phần lớn thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ đều biết hát Xoan; bảo đảm cho những người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định...
Các nghệ nhân phường Xoan Thét truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ
Việc mở các lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng của 4 phường Xoan gốc xã Kim Đức và Phượng Lâu, thành phố Việt Trì là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Hát xoan của UBND tỉnh năm 2013 - 2014 và Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan giai đoạn 2013 - 2020. Chương trình đã được các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy và được đông đảo nhân dân, nhất là lớp trẻ nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy được 70 nghệ nhân kế cận để đến năm 2015 có thể thay lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho gần 100 cháu thiếu niên nhi đồng. Tham gia truyền dạy có 15 nghệ nhân của bốn phường Xoan gốc là: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Hiện nay, những người tham gia học hát Xoan ngày càng nhiều, lớp trung niên có, lớp thanh thiếu nhi ngày càng đông hơn. Tham dự các lớp truyền dạy này tại nhà các nghệ nhân và tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Thét; càng xem các cháu thanh, thiếu nhi biểu diễn càng thấy sự hấp dẫn của Xoan, càng cảm nhận được sức sống trường tồn của Xoan trong cộng đồng, bởi chúng ta được xem biểu diễn Xoan đúng tại nơi nó sinh ra, đúng với môi trường của nó mới cảm nhận hết được nghệ thuật Hát Xoan. Các nghệ nhân - Những "báu vật nhân văn sống" về Xoan của Phú Thọ như bà Nguyễn Thị Lịch, ông Lê Xuân Ngũ, Nguyễn Xuân Hội... đã ở cái tuổi mắt mờ, lưng còng, chân yếu, hôm nay không biểu diễn mà xem con, cháu, chắt mình biểu diễn càng thấy vui mừng phấn khởi, bởi tình yêu Xoan vẫn tha thiết, đắm say. Tình yêu ấy hôm nay được nhân rộng, đến với thế hệ trẻ và vì thế, sức sống của Xoan mới thật sự lan tỏa, trường tồn.
Với những kết quả đáng khích lệ như hôm nay, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Phú Thọ, như ý kiến của đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định: Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Hát Xoan, trong thời gian tới, tỉnh chú trọng tới việc quảng bá giới thiệu giá trị của Hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Đồng hành với đó là việc tổ chức truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật Hát Xoan. Tỉnh cũng đã đưa Hát Xoan vào giáo dục trong các trường học ở thành phố Việt Trì. Đồng thời, tại các làng Xoan cổ sẽ khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chúng ta tin tưởng rằng với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và kế hoạch bảo tồn cụ thể, Hát Xoan sẽ mãi mãi trường tồn, không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân nước Việt mà còn tỏa sáng trong lòng bạn bè khắp năm châu.
Vũ Trường Thành - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo denhung.org.vn