Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ
Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của Hát Xoan; thông qua biểu diễn hát Xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng tại các vùng Xoan ngày càng bền chặt.
PTO- Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ vua đến nay Hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của Hát Xoan; thông qua biểu diễn hát Xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng tại các vùng Xoan ngày càng bền chặt. Tuy vậy, từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 Hát Xoan không được duy trì thường xuyên, việc truyền dạy Hát Xoan chủ yếu phát triển tự phát, do không có điều kiện và môi trường phát huy. Mặc dù là một di sản quý báu, nhưng Hát Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền nhanh chóng bởi giới trẻ không được truyền dạy kịp thời và các nghệ nhân đang mất dần do tuổi cao, sức yếu, môi trường trình diễn Hát Xoan là các di tích, một số bị mất hoàn toàn, số còn lại phần lớn đã xuống cấp, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân chưa được quan tâm, thiếu các kế hoạch bảo tồn. Việc đề ra những giải pháp cụ thể để Hát Xoan thoát khỏi nguy cơ thất truyền và đi vào cuộc sống đương đại phù hợp và đáp ứng tốt nhất có thể cho những đòi hỏi của thực tế cuộc sống đương đại, của con người mới hôm nay là rất cần thiết, đặc biệt, sau khi được UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (TNTCHV) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan tại đình Hùng Lô.
Trong những nỗ lực bảo tồn di sản, ngày 07 - 11 - 2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2058/QĐ- TTg phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013-2020). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khẳng định mục tiêu của Đề án là: Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với TNTCHV. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đầu tư tu bổ, phục hồi 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ đạt 40%; bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với TNTCHV; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại gắn với Hát Xoan; nâng tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ lên 70%; hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa.
Nhiệm vụ và nội dung cần thực hiện theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2013-2015, gồm: Tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các bài Hát Xoan, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa Hát Xoan. Phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành Hát Xoan trong cộng đồng địa phương. Tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm gắn với Hát Xoan tại các phường Xoan gốc; phục hồi không gian diễn xướng Hát Xoan gắn với TNTCHV. Triển khai chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng Hát Xoan. Thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan gắn với TNTCHV. Quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Hát Xoan trong nước và với bạn bè quốc tế. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các phường Hát Xoan. Giai đoạn 2016-2020: Phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan và TNTCHV trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường Hát Xoan, các di tích Hát Xoan gắn với TNTCHV. Tiếp tục đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến Hát Xoan; truyền dạy Hát Xoan, khôi phục các tục lệ, lễ hội truyền thống ở các địa phương có Hát Xoan lan tỏa. Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương có phường Xoan gốc và vùng lân cận để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Hát Xoan. Tăng cường đưa Hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể.
Các dự án thành phần thuộc đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013-2020) gồm: Dự án "Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan"; Dự án "Truyền dạy các bài Xoan cổ trong cộng đồng"; Dự án "Phục hồi, bảo tồn các diễn xướng Hát Xoan; các tục lệ, nghi thức, lễ hội Hát Xoan gắn với TNTCHV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ"; Dự án "Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích liên quan đến Hát Xoan và TNTCHV ở Phú Thọ"; Dự án "Nâng cao năng lực quản lý cho các phường, câu lạc bộ Xoan; xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan"; Dự án "Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ".
Với kinh phí dự kiến khoảng 165 tỷ đồng, Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020 theo phân kỳ: - Giai đoạn 2013 - 2015: Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, tư liệu về Hát Xoan; truyền dạy các bài Xoan cổ trong cộng đồng các phường Xoan gốc; quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích liên quan đến Hát Xoan và TNTCHV; phục hồi, bảo tồn các diễn xướng Hát Xoan, các tục lệ, nghi thức, lễ hội Hát Xoan gắn với TNTCHV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; nâng cao năng lực quản lý cho các phường, câu lạc bộ Xoan; xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan. - Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của các dự án Giai đoạn 2013 - 2015; đầu tư khôi phục, hỗ trợ tu bổ các di tích và các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các địa phương có Hát Xoan lan tỏa; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan; đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình dịch vụ nhằm phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Xoan.
Cũng tại Quyết định số 2058/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, các đơn vị có liên quan trên địa bàn triển khai các nội dung, nhiệm vụ của đề án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; chỉ đạo thực hiện khai thác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn nữa giá trị lịch sử - văn hóa di sản Hát Xoan và các di tích liên quan đến Hát Xoan và TNTCHV làm cơ sở cho việc lập, tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đề án theo đúng nội dung đã được phê duyệt và quy định hiện hành. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với UBND các tỉnh; Phú Thọ, Vĩnh Phúc để thực hiện đề án trong phạm vi, thẩm quyền của mình.
Trong thời đại ngày nay, với xu thế toàn cầu hóa với những đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần chú trọng trong phát triển nền văn hóa cũng như trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa Hát Xoan nói riêng. Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hát Xoan, việc đề ra các giải pháp phù hợp, có hiệu quả là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta có được một chiến lược giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Hát Xoan có thể xem như giải pháp tổng hợp, tạo ra được kế hoạch, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, con người, phương tiện… đồng bộ, trước mắt và lâu dài cho việc lưu giữ, phát huy, quảng bá di sản văn hoá Hát Xoan.
Vũ Trường Thành
Theo Bao Phutho