Bảo tồn nguyên gốc từ nội lực của Hát Xoan

14-02-2020, 09:11

Nội lực của Hát Xoan chính là gắn Hát Xoan với đời sống tín ngưỡng để di sản có sức sống bền vững, đó cũng là cách để bảo tồn nguyên gốc và đưa Hát Xoan

Sau khi Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (ngày 24/11/2011), UBND tỉnh Phú Thọ đã lập Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 – 2015 định hướng 2020.

Đến năm 2015, tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan nhằm đưa di sản này ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ cũng đặt mục tiêu, đến năm 2015, tỷ lệ người dân tỉnh Phú Thọ hiểu biết về Hát Xoan đạt 30%, trong đó TP. Việt Trì đạt 50%. Đến năm 2020 các nội dung tương tự đạt các tỷ lệ là 40% và 60%; tỷ lệ người dân tỉnh Phú Thọ biết Hát Xoan đến năm 2015 đạt từ 8 - 10%, trong đó TP. Việt Trì là 20 - 25%; Thanh, thiếu nhi ở các phường Xoan gốc đạt 50%. Đến năm 2020, các nội dung tương tự đạt các tỷ lệ là 15%, 30%, 80%. Để đạt được con số trên, đề xuất của tỉnh là đưa di sản này vào giáo dục trong nhà trường, trong công sở với 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chương trình giáo dục về Hát Xoan...

Với những con số này, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn Hát Xoan không đồng nghĩa với việc “phổ cập”, Xoan hóa toàn tỉnh Phú Thọ. Hát Xoan cần sống lâu dài trong các phường Xoan gốc, gắn với di tích văn hóa, đời sống tín ngưỡng sinh ra Hát Xoan. Lồng ghép Hát Xoan với giáo dục để cộng đồng nâng cao nhận thức di sản là điều cần thiết, nhưng khi truyền dạy cần chọn lọc, không nên dàn trải khiến việc bảo tồn trở thành hình thức, phong trào.

Không trình diễn tràn lan, tập trung bảo tồn nguyên gốc

Hát Xoan được trình diễn ở cửa đình vào hội làng mùa xuân. Đó cũng chính là môi trường để Hát Xoan sống lâu dài và bảo tồn Hát Xoan tức là gắn với bảo tồn các phường Xoan gốc. Như lý giải của PGS.TS.Lê Văn Toàn – Giám đốc

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì việc bảo tồn Hát Xoan trong cuộc sống mới cần chú ý nhiệm vụ bảo tồn tốt môi trường và đặc trưng ở Văn hóa Xoan ở 4 Phường Hát Xoan gốc. Như vậy, việc đầu tư, bảo tồn Xoan cũng cần có sự ưu tiên, sự quan tâm đặc biệt ở những địa bàn Xoan gốc bên cạnh việc đầu tư, định hướng thận trọng trong phát huy, phát triển Xoan ở những vùng lan tỏa cũng như việc xây dựng, phát triển những mô hình sinh hoạt Xoan mới ở Phú Thọ.

Nói về việc truyền dạy Hát Xoan, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Cần nghiêm túc nhớ rằng, tất cả đều truyền dạy Xoan nguyên bản, dù là dạy hát thờ hay hát chơi, bởi vì trên đời này chỉ có một Hát Xoan do các cụ truyền lại và nhiệm vụ của chúng ta phải truyền dạy để bảo tồn như chúng ta hứa trong chương trình hành động gửi UNESCO chứ không phải là làm Xoan “nâng cao, hay mới” nào cả. Bảo tồn “nguyên vẹn” không chỉ về toàn bộ quy trình và nội dung trình diễn mà còn rất cần cả về môi trường trình diễn, cả về chức năng thiêng liêng khởi nguyên của Xoan là hát thờ các vua Hùng. Yêu cầu này chỉ dành cho các phường Xoan gốc, họ có vinh dự và trách nhiệm thực hiện”.

GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, bảo tồn Hát Xoan nên chăng tập trung bảo tồn thật tốt 4 làng Xoan cổ. Ngoài ra, ưu tiên phục hồi di tích, nhưng cần chọn lọc, ưu tiên di tích nào. Tránh công thức toàn dân hóa, xã hội hóa Hát Xoan. Trước mắt, việc quan trọng nhất là bảo vệ các nghệ nhân bằng cách tạo điều kiện, có chính sách đãi ngộ để các nghệ nhân có thể truyền dạy những gì tinh túy nhất của Hát Xoan.

Bền vững khi di sản sống bằng nội lực

Để di sản sống không có nghĩa là áp đặt ý muốn của chúng ta mà hãy để di sản sống bằng chính nội lực của nó. Bảo tồn Hát Xoan bền vững cần gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – di sản sinh ra Hát Xoan. Theo ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: “Nội dung của Xoan rất hay và sâu sắc. Lồng ghép với giáo dục không chỉ giới thiệu, trình diễn về Xoan mà giảng dạy về đạo đức, lấy hồn cốt của Xoan để nâng cao ý thức, thấy được sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của Xoan, rồi yêu Xoan, tự nguyện đến với Xoan. Có như vậy, Xoan mới sống lâu bền, chứ không phải có tiền thì mới đi hát hay đưa vào chương trình thì mới học Xoan”.

Mối quan hệ giữa bảo tồn Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là rất mật thiết. Hát Xoan là nghi lễ điển hình nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ buổi đầu ra đời đến nay, Hát Xoan đã trở thành di sản và là nét sinh hoạt văn hoá mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Bởi vậy, nó càng không thể tách rời tín ngưỡng này.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, từ thực tiễn xây dựng hồ sơ cần chứng minh sợi dây liên kết giữa các di sản văn hoá vật thể tại địa phương với Hát Xoan, khẳng định đây là nơi đã gắn với việc trình diễn Hát Xoan, từ đó mới thực hiện công tác bảo tồn, đầu tư xây dựng không gian văn hoá Hát Xoan…

Gắn Hát Xoan với phát triển du lịch cũng là cách để bảo tồn di sản, tuy nhiên cần thận trọng, vì theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, đó có thể là con dao hai lưỡi. Đưa du lịch đến với Hát Xoan thì hoàn toàn đúng nhưng đưa Hát Xoan đến với du lịch, phục vụ du lịch sẽ rất dễ làm tổn thương di sản, làm biến dạng “môi trường gốc của Hát Xoan”. Chúng ta phục hồi được không gian trình diễn Hát Xoan thì việc đưa du khách đến với Hát Xoan là điều khả thi. Đó mới tạo nên sức sống lâu bền cho Hát Xoan.

 

Hát Xoan ra đời từ các làng cổ nằm trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa (địa bàn TP Việt Trì ngày nay). Ở Phú Thọ, hiện còn 4 phường Hát Xoan gốc đó là phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu), phường Xoan Phù Đức, Xoan Kim Đoài, Xoan Thét (xã Kim Đức). 

 

Minh Ánh

Theo LVonline.vn

Thêm một trao đổi