Dân ca quan họ

28-05-2018, 09:45

Dân ca quan họ (còn được gọi là dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca quan họ Kinh Bắc) là những làn điệu dân ca của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam; tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc - mà trọng tâm là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Tên gọi Quan họ Bắc Ninh không có nghĩa tỉnh Bắc Ninh là chủ thể chính của thể loại dân ca này, Bắc Ninh hay Kinh Bắc được hiểu là tỉnh Bắc Ninh cũ gồm cả Bắc Giang ngày nay. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi di sản này có thể thay đổi theo thời gian, do các chủ thể văn hóa tạo ra. Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), quan họ đã được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại

Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú "chơi Quan họ", không phải là "hát Quan họ" Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.
"Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức "cái tình" của bạn hát). Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích đến tận ngày nay như : Hừ La,La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 23 làng quan họ, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ. Do chậm trễ, có tới 18 làng Quan họ cổ ở Bắc Giang không kịp đưa vào danh sách đề cử ban đầu. Các làng quan họ Kinh Bắc tồn tại nhiều ở các huyện: Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là quan họ bờ nam sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh)[10] và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa (còn gọi là quan họ bờ bắc sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang).

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam[14]. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Các làn điệu quan họ cổ: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, cái ả, Gió mát trăng thanh, Tứ quý v.v…

Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, gọi là áo kép. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Thời trước, đàn ông còn nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu.


Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy", nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba. Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) và yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ). Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Ngoài ra, liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.


Có thể nói, Dân ca quan họ với số lượng phong phú về bài bản, kỹ thuật hát tinh tế, môi trường diễn xướng đặc sắc… đã tạo sức hấp dẫn, là niềm tự hào của người con xứ Kinh Bắc.

Trích nguồn Bách khoa toàn thư mở

Thêm một trao đổi