Bảo tồn và gìn giữ di sản - Cần có ý thức và kiến thức

20-05-2019, 12:35

Sau “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đệ trình UNESCO phong danh di sản nhân loại, “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ và dự kiến tháng 7 tới sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về di sản Then tại Tuyên Quang để tìm sự đồng thuận của các nhà khoa học quốc tế. 

Trong khi di sản trong nước nỗ lực tìm đường ra “biển lớn”, thì những di sản được phong danh đang trong cảnh bị bỏ mặc hoặc làm thương mại quá đà…

 

Nhã nhạc Cung đình Huế được vinh danh

Ứng xử với di sản vô lối
Thời gian gần đây, rất nhiều người băn khoăn, lo lắng về tình trạng nhiều di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, nhưng vinh danh xong rồi thì di sản bị bỏ mặc hoặc bị lạm dụng để phục vụ mục tiêu kinh tế một cách quá đà. Ví dụ như kỷ lục hát quan họ cho thấy những người quan họ tự hào và yêu quan họ như thế nào, nhưng thiếu sự hiểu biết, thiếu sự hướng dẫn nên giống như một sự phá hoại khi 3000 người tập trung hát quan họ với mục đích bảo tồn. Rồi di sản Cồng chiêng Tây Nguyên hay Nhã nhạc Cung đình Huế cũng đang vấp phải lối ứng xử kiểu “cưỡng bức thô bạo” tương tự… Mấy ngày nay, dư luận cũng nóng lên bởi di sản Núi Đôi ở Quản Bạ- Hà Giang (nằm trong vùng di sản đặc biệt của cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu tháng 10-2010) được “làm đẹp”, “nâng cấp” và “bảo vệ” bằng cách khoanh vùng và cào bằng, san phẳng thửa ruộng dưới chân giữa hai quả núi, đóng cọc chăng dây, xây bờ gạch làm bồn hoa xếp chữ theo kiểu cách công viên nơi phố thị, làm mất đi cảnh quan thiên nhiên được hình thành từ 4 triệu năm nay. Chữ “Núi Đôi Quản Bạ” dưới chân núi trông rất phi thẩm mỹ và tất nhiên không đúng tinh thần bảo tồn di sản thiên nhiên.

Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời tham gia vào việc làm hồ sơ cho nhiều di sản, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhận định: Ai chẳng thích được vinh danh. Nhưng ở Việt Nam chủ nghĩa thành tích chi phối cách ứng xử của chúng ta đối với văn hóa một cách vô lối. Một trong những điều đang phá hoại giáo dục cũng là chủ nghĩa thành tích, đó là căn bệnh hiện nay. Đã có những người đưa ý kiến, nếu cơ quan thống kê đưa ra những con số không đúng sự thật thì phải bị truy tố. Mặt khác, với di sản chúng ta đã biết cách nói về giá trị di sản của mình, nhưng vẫn yếu về chương trình hành động, trong khi quốc tế rất coi trọng điều này, bởi đó là danh dự khi thực hiện cam kết bảo tồn, phát huy, giữ gìn hình ảnh di sản. Hiện nay khá nhiều loại hình di sản ở Việt Nam sau khi được tôn vinh bị làm méo mó đi. Bảo vệ di sản không chỉ cần có ý thức mà phải có cả tri thức.

Bảo tồn theo phong trào, số đông
Có được danh hiệu là minh chứng người Việt có đời sống văn hóa phong phú. Tuy nhiên, thêm danh không có nghĩa công tác bảo tồn di sản làm tốt. Thế nên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam vẫn canh cánh một nỗi lo về việc chúng ta đã và đang tiếp nhận, ứng xử như thế nào với những giá trị văn hóa từ quá khứ, về những mặt trái của danh hiệu. Trước thực tế đó, một số di sản thế giới như hát xoan và quan họ đang được lên phương án bảo tồn. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, cái dở nhất của chúng ta là bảo tồn theo phong trào, theo số đông.

Lấy ví dụ ca trù- loại hình được UNESCO đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Theo ông Hiền, để được công nhận danh hiệu này, chúng ta phải cam kết về kế hoạch hành động để khôi phục, bảo tồn và sớm đưa di sản ra khỏi nguy cơ thất truyền. Thế nhưng, từ khi nhận danh hiệu cách đây vài năm, gần như không thấy biện pháp bảo tồn đáng kể nào được đưa ra với ca trù. Lượng người hát ca trù ở mức độ xuất sắc vô cùng ít, chỉ còn được vài nhóm nhỏ tại Hà Nội. Và vì không có sự đầu tư nuôi dưỡng, cứ lay lắt tự vận động như vậy, nên việc tìm được thế hệ kế cận là đáng lo vô cùng.

Với nguy cơ di sản âm nhạc truyền thống được khai thác phục vụ du lịch một cách bừa bãi, ông Hiền lý giải, trước hết, điều này đến từ sự khó tiếp cận của di sản âm nhạc cổ đối với người nghe hiện đại, đặc biệt là các khách du lịch quốc tế. Không thể phản đối nếu người ta giới thiệu với du khách những loại hình mô phỏng hát xoan, quan họ, nhã nhạc cung đình... với sự biến đổi cho hấp dẫn và phù hợp. Vì có muốn, chúng ta cũng không cấm được điều này. Nhưng nếu vậy, chúng ta cần sòng phẳng rằng: Đó là sự mô phỏng để phục vụ du lịch và không hề liên quan tới bảo tồn. Lại càng không thể nhầm lẫn, đánh tráo hai khái niệm ấy với nhau.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, cái đích của danh xưng "di sản thế giới", xét cho cùng, là nhu cầu đánh thức sự quan tâm để gìn giữ và bảo tồn của cộng đồng - chứ không thể dừng lại ở chuyện khai thác danh hiệu một cách tối đa để phục vụ du lịch và thỏa mãn lòng tự hào.

Lê Nhi

Theo baohaiphong.com.vn

Thêm một trao đổi