Tự hào tiếng chiêng làng Kép
Xuân về trên đại ngàn Tây Nguyên cũng là khi làng Kép (TP. Pleiku) rộn rã tiếng cồng chiêng. Âm thanh trầm hùng ấy đã 5 lần vinh dự được vang lên trong đêm Hội giao thừa mừng Xuân của tỉnh
Xuân về trên đại ngàn Tây Nguyên cũng là khi làng Kép (TP. Pleiku) rộn rã tiếng cồng chiêng. Âm thanh trầm hùng ấy đã 5 lần vinh dự được vang lên trong đêm Hội giao thừa mừng Xuân của tỉnh, và đặc biệt hơn, đây là lần thứ 2 tiếng chiêng làng Kép ngân xa mãi dưới Tượng đài Bác-nơi hội tụ những ấm áp và thiêng liêng.
Thế hệ trẻ của Đoàn Nghệ nhân Cồng chiêng làng Kép.
Ảnh: Trần Dung
Đoàn Nghệ nhân Cồng chiêng của làng Kép (TP. Pleiku) là một trong những đoàn được Ban tổ chức Lễ hội giao thừa mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 mời tham gia biểu diễn trong đêm hội giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Với những nét độc đáo riêng trong lối trình diễn, trong từng tiếng chiêng, đoàn nghệ nhân cồng chiêng làng Kép đã thổi hồn vào đêm 30 những biến tấu độc đáo. Giai điệu chiêng thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai; nhịp cồng rộn ràng, sôi nổi hòa cùng với tiếng trống lúc trầm, lúc bổng, du dương như hỏi chuyện, đối đáp với nhau...
Sau bao đêm dài tập luyện dưới mái nhà rông, được lũ làng ngồi quanh lắng nghe, tán thưởng, 30 nghệ nhân cồng chiêng của làng đã đủ tự tin để biểu diễn trong đêm Hội ý nghĩa. Giờ đây, tiếng cồng chiêng của làng Kép không chỉ âm vang trong buôn làng, bên những ngọn núi, con suối... mà đã vang xa ra bên ngoài, vang mãi dưới Tượng đài Bác trong thời khắc thiêng liêng-giao thừa. Nghệ nhân Ksor Mơl-Đội trưởng Cồng chiêng làng Kép tự hào nói: "Cồng chiêng làng mình được mọi người biết đến nhiều, được vinh dự phục vụ trong ngày lễ hội, ngày Tết của người Kinh. Làng mình tự hào nhiều lắm! Mỗi ngày đoàn mình đều cố gắng tập luyện với Đoàn Nghệ thuật Đam San, đêm-sau khi từ nương rẫy về, mình lại cùng mọi người tập luyện tại nhà rông. Có tập luyện nhiều thì tiếng chiêng đánh ra mới hay, mới ý nghĩa và mới lạ”.
Người dân làng Kép giữ tiếng tiếng như giữ chính báu vật vô giá nhất của mình. Dù không có ánh lửa nhà sàn bập bùng, không có mùi thơm của hương lúa mới nhưng dưới ánh đèn của sân khấu, khí chất của những chàng trai, cô gái núi rừng vẫn bừng sáng với tiếng chiêng bổng trầm. “Dù đã nhiều năm tham gia biểu diễn trong Lễ hội giao thừa, nhưng chúng tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ vì mình đã quen với tiếng chiêng đánh cho lũ làng nghe trong những lễ hội của dân tộc mình. Khi đứng trên sân khấu cao với nhiều đèn màu, chúng tôi run và lo lắng nhiều lắm. Tuy vậy, khi hòa mình vào bài biểu diễn, khi tiếng chiêng cất lên, mọi người trong đoàn lại cảm thấy tự tin và ấm áp hẳn, chính như lúc đánh chiêng cho lũ làng mình nghe vậy”-Già làng Rơ Châm Kleng (75 tuổi) ngập ngừng chia sẻ. Già Kleng cố giấu nụ cười mãn nguyện của mình khi nhắc tới những chàng trai, cô gái của làng đang say sưa tập luyện, già nói thêm: “Chúng đều là con cháu của mình hết đấy. Chúng giỏi đánh chiêng, múa xoang và đã biết suy nghĩ điều hay. Mình yên tâm khi giao tiếng chiêng của buôn làng mình cho thế hệ mới này”.
Bao đời nay, buôn làng không thể thiếu cồng chiêng, Tây Nguyên không thể không có cồng chiêng… và biết bao mùa xuân của đại ngàn rộn rã tiếng cồng chiêng. Trong đêm hội giao thừa Giáp Ngọ 2014 năm nay, các nghệ nhân làng Kép sẽ tái hiện tại sân khấu Lễ đài một phần của không gian văn hóa cồng chiêng mình sở hữTrần Dungu. Đó chính là hình thức thể hiện cồng chiêng, kỹ năng diễn tấu, âm thanh và nội dung biểu đạt, vòng xoang-đôi tay và nhịp bước trong bài chiêng “Mừng chiến thắng”.
Ngoài ra, đội hình công chiêng còn góp mặt trong các tiết mục “Xôn xao mùa Xuân đại ngàn”, “Mùa Xuân trở về”… cùng dàn nhạc và tập thể vũ đoàn Ca múa nhạc Đam San. Tự hào khi được biểu diễn cồng chiêng của dân tộc mình trong thời khắc trọng đại, Ksor Tđêu (25 tuổi) cho biết: “Được ngân tiếng cồng chiêng của buôn làng trong lễ hội của tỉnh là niềm vinh dự lớn thúc đẩy mình cố gắng hơn nữa trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Những năm sau nữa làng Kép mình sẽ biểu diễn những bài chiêng hay hơn, độc đáo hơn cho đêm giao thừa thêm phần ý nghĩa”.
Theo baogialia.com.vn