Vùng thể loại nghệ thuật bài chòi tiếp cận và nghiên cứu

16-04-2019, 14:50

Hội bài chòi ngày Xuân và nghệ thuật diễn xướng bài chòi, là những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời ở các tỉnh miền Trung, trên một không gian trải dài từ Nam đèo Ngang vào tới cực Nam Trung Bộ, bao gồm 11 tỉnh, thành hiện nay: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung là tri thức và năng lực ứng xướng - diễn xướng bài chòi của các nghệ nhân dân gian; là các buổi diễn của sân khấu dân gian bài chòi cổ; là sinh hoạt cộng đồng ở hội chơi bài chòi trong những ngày Xuân mà ở đó là sự tích hợp nhiều yếu tố, thành tố văn hóa nghệ thuật dân gian miền Trung; là nơi diễn ra sự tương tác, thăng hoa giữa các nghệ nhân khi diễn xướng và công chúng; di sản ấy là những phương thức, là bản lĩnh và tài hoa trong việc thừa kế, giao lưu, sáng tạo các giá trị văn hóa - nghệ thuật; di sản ấy cũng còn là phong tục, nếp quen thưởng thức, diễn xướng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa dân gian ở miền Trung xưa. Hiện tượng văn hóa ấy vẫn còn duy trì khá phổ biến cho đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước trên vùng đất này.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đối với những di sản văn hóa phi vật thể, là những công việc khó khăn nhưng vô cùng cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là “Phải xác định cho rõ những vấn đề liên quan đến kho tàng văn hóa phi vật thể này, có như vậy, chúng ta mới xác định đúng đắn những định hướng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy”.
Khi nghiên cứu Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung, một trong những bước tiếp cận, đó là việc xác định đây là một “Vùng thể loại văn hóa”, và cụ thể là “¬Vùng thể loại nghệ thuật bài chòi” (hoặc: “Vùng thể lại diễn xướng bài chòi”) , việc ấy đặt cho chúng ta một số khung tiếp cận, hướng tiếp cận, qua việc coi tính thống nhất và sự đa dạng là một thuộc tính vốn có của một thực thể văn hóa phức hợp.
Tính thống nhất và sự đa dạng của thực thể văn hóa phức hợp “¬Vùng thể loại nghệ thuật bài chòi” có thể được định vị rõ hơn qua tham chiếu với vùng văn hóa miền Trung; với một số nét lớn của đặc điểm văn hóa miền Trung:
Có những sự trùng hợp lý thú khi nghiên cứu về miền Trung Việt Nam và nghệ thuật Bài chòi miền Trung. Miền Trung: Theo cách nhìn của giáo sư Trần Quốc Vượng và các đồng tác giả trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam – Nxb Giáo dục, H, 1997, đó là: Sự trùng khớp của miền Trung với địa bàn hiện diện vương quốc Chăm Pa cổ (Nam đèo Ngang vào tới cực Nam Trung bộ); Sự trùng hợp trong phân cách giữa các địa phương, các tiểu vùng văn hóa miền Trung với những kiến tạo của thiên nhiên “một đèo, một đèo, lại một đèo…”.
Khi nghiên cứu về Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung, chúng ta cũng thấy sự trùng khớp về không gian hiện diện của nghệ thuật này với những sự trùng khớp trên, cùng với một số tính chất, đặc điểm của nó.
Với “cái nhìn địa văn hóa”, cùng với quá trình tiệm tiến làm chủ vùng đất mới và cộng cư của nền tảng văn hóa Đông Nam Á cổ của lưu dân Việt, cùng với những thời kỳ dài xa cách cội nguồn trong lịch sử chia cắt, phân tranh Nam – Bắc, thì sự tiếp biến của văn hóa Việt Nam trên dải đất này có nhưng tính chất, đặc điểm, sắc thái mới. Những đặc điểm về Địa văn hóa và Lịch sử văn hóa miền Trung đã là những yếu tố chi phối, ảnh hưởng và có những đặc định đến quá trình hình thành, phát triển của hội chơi Bài chòi, nghệ thuật diễn xướng bài chòi dân gian miền Trung xưa/ và cả với những đặc điểm, dặc trưng, phương thức – mô hình phát triển của di sản văn hóa ấy qua diễn trình lịch sử. Khi nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển ấy của nghệ thuật Bài chòi dân gian, các nghiên cứu khoa học đều lưu ý đến sự thống nhất và tính đặc thù của nghệ thuật Bài chòi ở các địa phương, ở các tiểu vùng văn hóa.
Các nguyên do trùng hợp và sự biến thiên qua những tương tác của các yếu tố, tham số mới trong lịch sử phát triển là những vấn đề cần nhận diện, giải mã trong nghiên cứu văn hóa miền Trung nói chung, và với nghệ thuật bài chòi dân gian nói riêng – để làm rõ và thuyết phục hơn về những đặc trưng và mô thức hình thành lên những đặc trưng của loại hình nghệ thuật này
Khi đề cập một số vấn đề về tính thống nhất của vùng thể loại nghệ thuật bài chòi, đồng thời chúng ta cũng thấy ngay sự đa dạng khác biệt ở đó:
Với không gian trải dài trên bản đất miền Trung, nghệ thuật bài chòi đã là một “không gian văn hóa” một “ vùng thể loại văn hóa”. Tuy vậy, điểm khác biệt và đa dạng rõ nhất là Nghệ thuật bài chòi Bắc Trung Bộ (Bắc đèo Hải Vân) và Nam Trung Bộ (Nam đèo Hải Vân) khác nhau rất nhiều và rõ nét. Và hơn thế nữa, nghệ thuật bài chòi ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ có những đường hướng phát triển và tồn tại khác nhau trong sinh hoạt văn hóa dân gian.
* Một ví dụ về sự khác nhau của đặc điểm và cấu trúc không gian diễn xướng, trong mối quan hệ với yếu tố địa văn hóa (thời tiết, khí hậu…):
Cấu trúc không gian hội chơi bài chòi, nghệ thuật diễn xướng bài chòi có tính quyết định đến đặc điểm, đặc trưng và các phương thức - mô hình tích hợp, phát triển hình thành các đặc trưng của nghệ thuật diễn xướng bài chòi.
- Đặc điểm của cấu trúc không gian diễn xướng và việc thực hành diễn xướng bài chòi ở Bắc Trung Bộ là: Không thường xuyên thực hành ở cấu trúc không gian mở (Hội chơi, sân khấu dân gian…) . Nghệ thuật diễn xướng thường được thực thi ở các cấu trúc không gian nhỏ, khép kín qua các hình thức sinh hoạt bài ghế, bài thai… (tương tự với cách thức chơi của hội bài chòi). Cộng đồng tham gia thưởng thức, sinh hoạt và tương tác nhỏ.
Đặc điểm của cấu trúc không gian diễn xướng và việc thực hành diễn xướng bài chòi ở Nam Trung Bộ là: Nghệ thuật diễn xướng được thực hành phổ biến ở không gian mở, có sự giao lưu, tương tác lớn với cộng đồng sinh hoạt và thưởng thức trong hội chơi và sân khấu dân gian.
- Nghệ thuật diễn xướng bài chòi Bắc Trung Bộ không thiên về yếu tố diễn; với yếu tố xướng thì âm nhạc mang đặc điểm trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng, biểu cảm, ngôn từ sâu sắc, thâm thúy, thâm trầm.
Nghệ thuật diễn xướng bài chòi Nam Trung Bộ thiên về yếu tố diễn, yếu tố xướng cũng phát triển tương ứng bằng cách tích hợp nhiều sắc thái âm nhạc. Thể loại văn học diễn xướng là các hình thức vè, thơ, tự sự, các truyện thơ, tích tuồng (thơ)…
Trên đây là một ví dụ để thấy và nhận diện những vấn đề của con đường, phương thực, phương cách… và những cơ sở hình thành lên đặc điểm trong quá trình phát triển, tạo nên những đặc trưng của bài chòi ở các thời kỳ, các địa phương, tiểu vùng văn hóa ở miền Trung.
Khi nghiên cứu về nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung, việc làm rõ các đặc trưng và mô thức phát triển của nó là điều rất quan trọng:
Văn hóa phi vật thể là những chiều kích văn hóa khó nắm bắt. Việc bảo tồn, phát huy, phát triển di sản ấy luôn là yêu cầu phải bám sát các đặc trưng và lấy đặc trưng làm gốc rễ, nền tảng. Trong phát triển bài chòi hiện nay, việc cải biên, phát triển nghệ thuật diễn xướng bài chòi dân gian trên sân khấu kịch hát bài chòi cũng đầy khó khăn, vướng mắc. Có những phát triển để phong phú lối hát và nhằm súc tích hơn, nên tối giản mô hình hát cổ, điều đáng lo ở đây là đã làm mất đi sự đặc sắc, sắc thái – đặc trưng của âm nhạc bài chòi dân gian. Có những cải biên, sáng tạo, kết hợp âm nhạc bài chòi với các yếu tố âm nhạc khác nhưng không nhận rõ đặc trưng, đặc tính của âm nhạc bài chòi nên khi kết hợp, hiệu quả diễn ra là sự “lắp ghép, kệch cỡm, sống sượng” như các nhà nghiên cứu đã phê bình. Còn nhiều tồn tại khác trong thực trạng phát triển nghệ thuật diễn xướng bài chòi, nhưng chung quy lại - những phát triển sai lệch, không thành công, làm mất đi những giá trị cốt lõi của nghệ thuật diễn xướng bài chòi, cũng đều có lý do là không nhận ra đặc trưng, không coi trọng chân giá trị của đặc trưng, nhầm lẫn hoặc không xác định đúng đặc trưng / Và cũng có một tồn tại nữa là việc nghi ngờ về các đặc trưng, giá trị của nghệ thuật diễn xướng bài chòi dân gian, vì không biết hoặc không có cơ sở khoa học để nhận ra nguồn gốc, xuất xứ của các đặc trưng, cũng như cơ chế hình thành nên những đặc trưng ấy. Điều ấy cũng gây nhiều tranh cãi, dẫn đến những xu hướng kế thừa, phát triển khác nhau, và hệ quả là có những phát triển không được tới nơi tới chốn - là sự làm mất đi hoặc không còn đậm đà bản sắc.
Xác định và để đừng nhầm lẫn về đặc trưng đã khó, nhưng việc chỉ ra đặc trưng thì đã là điều đúng, nhưng chưa đủ để thuyết phục sự nghi ngờ về các đặc trưng ấy. Hay nói cách khác thì việc chỉ ra / giới thiệu về đặc trưng đã là điều quý, đúng, nhưng chưa đủ cho yêu cầu dữ liệu để thực hiện một cách hiệu quả, khoa học các phương án bảo tồn và phát huy các đặc trưng ấy và giá trị của nó. Bởi vậy, khi nghiên cứu chỉ ra các đặc trưng, thì cũng là việc phải chỉ ra các đặc điểm, tính chất của hiện tượng văn hóa phi vật thể cụ thể đó. Các đặc điểm, tính chất ấy cũng chính là điểm hội tụ các điều kiện, các yếu tố có vẻ như gián tiếp, xa mờ trong lịch sử, nhưng lại mang tính chất quyết định, làm nên sắc thái, sự bền vững, giá trị và các yếu tố bất biến của đặc trưng, của hiện tượng văn hóa phi vật thể. Tuy vậy một yêu cầu khoa học cao trong quá trình nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể đó là: Ngoài việc nghiên cứu, nhận diện các thành tố, những yếu tố xa mờ, những tính chất, đặc điểm… thì cần phải chỉ ra những vấn đề ấy được liên kết như thế nào? bằng cách nào? với cơ chế nào? và có những mối tương tác nào? Hay nói cách khác: Mô thức hình thành nên đặc trưng là gì? Những cơ sở, yếu tố nào góp phần và dẫn đến việc hình thành những mô thức ấy. Việc nghiên cứu ấy cũng còn là đặt các nội dung trên trong các quan hệ với điều kiện, bối cảnh trong lịch sử của chủ thể sáng tạo; với kỹ năng, tài năng, kinh nghiệm của nghệ nhân cũng như bản lĩnh, quan niệm và ứng xử của nghệ nhân và cộng đồng – chủ thể sáng tạo, trước vốn di sản của dân tộc, trước cái hay, cái mới lạ của kho tàng văn hóa nhân loại trong quá trình kế thừa, giao lưu tiếp biến.
Hội chơi và nghệ thuật diễn xướng bài chòi – di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung là một hiện tượng văn hóa - nghệ thuật phức hợp, mà “tại đó các đặc điểm của văn hóa tác động qua lại lẫn nhau, hình thành lên các hoán vị mới, tổ hợp mới và tổng hợp mới. Một đặc sắc hoặc tổ hợp nhiều đặc sắc,là kết quả của những đặc sắc tiền tệ và đồng hành, mà cũng là nguyên nhân của những đặc sắc hay tổ hợp đặc sắc tiếp sau đó”( ). Với tính chất phức tạp và đặc thù của hiện tượng văn hóa phi vật thể ấy, công tác nghiên cứu khoa học về di sản này còn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và trí tuệ của nhiều thế hệ . /.

Trần Đức Hùng
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2014

 

Thêm một trao đổi