Hải Hậu nở rộ các hội trống nữ
Trên địa bàn huyện Hải Hậu hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo mang đậm giá trị văn hóa của miền quê biển, trong đó có nghệ thuật trống hội. Nhiều hội trống nữ ở các xã: Hải Phú, Hải Hà, Hải Lộc, Hải Xuân, Hải Quang... thường xuyên luyện tập, biểu diễn nhân các ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị ở địa phương.
Hội Trống nữ xã Hải Xuân biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu
Ở xã Hải Phú, Câu lạc bộ “Trống hội non sông” được thành lập do bà Nguyễn Thị Xoan (65 tuổi) làm chủ nhiệm. Đến nay, câu lạc bộ có 32 thành viên; 30 trống với đủ kích thước đại, trung, tiểu; mỗi thành viên có 6 bộ trang phục biểu diễn phù hợp với từng bài trống. Để các bài biểu diễn có sức hấp dẫn, câu lạc bộ tổ chức các đội múa quạt, múa cờ, múa trống. Đội múa quạt, múa cờ tập hợp các thành viên nữ cao tuổi; đội trống là các thành viên nữ trẻ tuổi. Trong đội trống có 1 chỉ huy và 3 giàn trưởng tương ứng với 3 hàng trống. Mở đầu chương trình, đội múa cờ và múa quạt lần lượt biểu diễn, sau đó đến phần múa trống hội. Trong chương trình biểu diễn múa trống của câu lạc bộ, tiêu biểu nhất là tiết mục “Hào khí Việt Nam” gồm 3 phần trên nền các bản nhạc “Dòng máu Lạc Hồng”, “Hào khí Việt Nam”, “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm” khơi gợi các giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Đó là nhịp trống khoan thai tựa tiếng chèo thuyền, nhịp dồn dập như tiếng vó ngựa giặc ngoại xâm, nhịp trống hào hùng thể hiện khí phách Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù và nhịp trống rộn ràng vững tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tổ chức bài bản, Câu lạc bộ “Trống hội non sông” xã Hải Phú được mời biểu diễn ở khắp các địa phương trong tỉnh vào các dịp lễ hội, kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9…
Ở xã Hải Hà, sau những ngày lao động vất vả người dân lại cùng nhau say sưa luyện tập các điệu trống. Chị Lương Thị Mừng, Trưởng xóm 7, Hội trưởng hội trống cho biết: Năm 2017, hội trống nữ xã Hải Hà thành lập. Để có tiếng trống đặc trưng, Hội trống nữ xã đã nhờ những người thợ giỏi của huyện Xuân Trường đóng trống theo yêu cầu. Bộ trống của hội không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn đáp ứng yêu cầu về âm sắc khi biểu diễn. Dàn trống của hội gồm 1 trống đại, 2 trống trung và 10 trống tiểu. Trống hội Hải Hà phục vụ trong nghi lễ đình làng, gồm các bài: trống rước, trống đón, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm...; mỗi bài có cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau. Hơn 2 năm qua chương trình biểu diễn của Hội trống nữ xã Hải Hà đã được người dân mến mộ.
Xã Hải Xuân có hội trống nữ với 60 thành viên. Ngoài phục vụ các nghi lễ ở nhà thờ xứ Xuân Chính, Hội trống nữ còn biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương. Trong mỗi chương trình biểu diễn, tiếng trống hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của người thể hiện. Các bài múa trống là sự kết hợp tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo, âm thanh sôi động. Bởi vậy, việc đầu tư cho trang phục và nhạc cụ biểu diễn rất quan trọng. Do làm tốt công tác xã hội hóa, đến nay Hội trống nữ xã Hải Xuân có nguồn quỹ ổn định để bổ sung trang phục, đạo cụ biểu diễn. Hiện nay, chương trình biểu diễn của hội trống nữ xã gồm các bài: “Trống hội quê hương”, “Trống rước”, “Trống dạo”..., mỗi bài có thời lượng từ 4-8 phút. Trong đó, bài “Trống hội quê hương” gồm 3 phần: Phần đầu tái hiện buổi mở đất dựng làng; phần 2 thể hiện khí thế đánh giặc giữ nước; phần 3 tái hiện giai đoạn xây dựng quê hương phát triển. Trong bài biểu diễn “Trống hội quê hương”, phần mở đầu tiếng trống vừa uyển chuyển vừa biến hóa linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe. Sau đó, tiếng trống từng hồi cấp báo giặc xâm lăng tàn phá, trống ngũ liên vang lên ban hiệu lệnh xuất quân thúc giục người người lên đường đánh giặc. Phần kết của bài là tiếng trống khải hoàn, non sông thu về một mối, đất nước thái bình. Từ khi thành lập đến nay, hội trống nữ xã Hải Xuân đã tham dự nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện.
Tiếng trống hội của các hội trống nữ ở Hải Hậu ngân vang, thể hiện sức sống bền vững của phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Giá trị văn hoá của tiếng trống hội được kết tinh từ hàng nghìn đời nay mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư
Theo baonamdinh.com.vn