Phát huy, bảo tồn nhạc cụ dân tộc Raglai

20-03-2020, 17:18

Người Raglai có nhiều loại nhạc cụ độc đáo với nhiều loại chất liệu, cách diễn tấu đa dạng, được dùng trong các dịp lễ hội quan trọng. Có thể nói, nhạc cụ dân tộc luôn là vật thiêng, vốn quý và là người bạn tâm giao không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Raglai.

Từ âm vang Mã la

Tiêu biểu nhất là Mã la, loại nhạc cụ gõ bằng đồng của người Raglai, đây là một loại nhạc cụ cồng chiêng không có núm, các dân tộc ở cao nguyên gọi là chiêng bằng. Theo quan niệm của người Raglai, Mã la là nhạc cụ thiêng do tổ tiên ông bà để lại; vật thiêng thay thế dân làng giao tiếp, kết nối với các đấng siêu nhiên, nếu muốn nói chuyện hoặc cầu xin thần linh ban cho ân huệ gì đều phải tấu Mã la. Vì vậy, bao đời nay, Mã la không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai; thường được dùng trong các lễ hội tiêu biểu của người Raglai như lễ ăn đầu lúa và lễ bỏ mả. Theo Nghệ nhân Mai Thắm, thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái), Mã la rất quan trọng vì không dễ mua và được người dân coi là một thứ tài sản có giá trị. Mã la thể hiện bản sắc và giá trị truyền thống của dân tộc. Một bộ Mã la cần phải có từ 5 chiếc tượng trưng cho 3 người mẹ (mẹ một giữ nhà, mẹ hai chính giữa và mẹ ba là Út mẹ). Bên cạnh đó có các con cùng hòa âm với mẹ. Nếu bộ Mã la có đủ 3 mẹ và có con thì đánh nghe mới hay, cả làng nghe mới thích.

 
Nhạc cụ dân tộc Raglai được sử dụng trong những dịp lễ hội quan trọng.

 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hiện có khoảng 100 bài nhạc Mã la. Trong đó, chỉ có khoảng 5-6 bài nhạc lễ mang tính thiêng dùng trong phần lễ, còn lại chủ yếu dùng trong phần hội. Cách biểu diễn Mã la của người Raglai cũng rất độc đáo. Nghệ nhân kết hợp giữa tay đánh và bàn tay trái phải điều tiết độ vang, các âm sắc, trường độ. Mỗi bài bản Mã la đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, sự khổ luyện lâu dài giữa các thế hệ. Đặc trưng riêng có của người diễn tấu Mã la là cúi khom người, chân bước chậm rãi, lắc mông theo nhịp. Tất cả âm sắc, trường độ, cao độ, âm bồi, âm tắc, độ vang đều do bàn tay để ở phần bên trong của Mã la điều khiển. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, ở 26 xã, 78 thôn vùng đồng bào Raglai trong toàn tỉnh, có 220 bộ Mã la với 1.772 chiếc; trong đó, nhiều nhất là huyện Bác Ái với 146 bộ/1.012 chiếc.

Đến đàn Chapi mộc mạc

Nếu như chỉ những gia đình giàu có mới sở hữu được Mã la, loại nhạc cụ - tài sản quý giá, thì đối với những người Raglai nghèo, họ cũng sáng tạo ra nhạc cụ của mình là cây đàn Chapi, loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã la. Tuy đơn sơ nhưng để làm ra cây đàn Chapi tốt không phải dễ dàng. Theo nghệ nhân Mai Thắm, vì đàn được làm từ tre nên công đoạn chọn tre quyết định chất lượng đàn. Tìm được ống tre tốt đòi hỏi rất nhiều công sức, tre quá già hoặc quá non đều không phù hợp, khoảng hai năm đến 2 năm rưỡi là thích hợp nhất. Ống tre được chọn làm đàn phải có đường kính khoảng 10-15 cm, dài từ 45-50 cm. Phần khó nhất của cây đàn Chapi là tách sợi tre để làm dây đàn. Phần này phải làm rất cẩn thận vì dây đàn rất dễ đứt. Sợi dây phải được mài nhẵn và có độ dày vừa phải. Đàn Chapi có từ 6-14 dây đàn được gắn phím; ở hai đầu được đục lỗ để âm thanh thoát ra ngoài. Thân đàn có gắn cán tre để cầm và trang trí dây mây cho đàn thêm đẹp. Cũng như Mã la, đàn Chapi luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hoá cộng đồng của người Raglai. Sự hiện diện của cây đàn Chapi chính là “giấc mơ” của những người nghèo, nhưng có tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang theo những niềm mơ ước đơn sơ rằng ai cũng được nghe tiếng Chapi, nghe những âm thanh của núi rừng.

 
Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi cùng nhạc sĩ Trần Tiến.
Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài những loại nhạc cụ tiêu biểu như Mã la, Chapi, người Raglai còn có nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác, được chế tác từ những vật liệu hết sức gần gũi của núi rừng như Trống đất, đàn đá, kèn Sarakel... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người Raglai có khoảng 30-40 loại nhạc cụ cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại nhạc cụ đã vắng bóng do những người biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Raglai còn lại khá ít ỏi và lớn tuổi. Cùng với sự du nhập và xu hướng tiếp cận với nền âm nhạc hiện đại, các loại nhạc cụ truyền thống từng có ý nghĩa chi phối đời sống tinh thần của người dân đang dần bị mai một.

Trong nỗ lực bảo tồn các loại nhạc cụ Raglai, huyện Bác Ái, nơi tập trung đồng bào Raglai sinh sống đã xác định Mã la, đàn Chapi là những loại nhạc cụ cổ truyền tiêu biểu của người Raglai đang được đưa vào diện bảo tồn. Ngành Văn hóa địa phương cũng nỗ lực thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của người Raglai, khơi dậy và khôi phục “không gian văn hóa” giữ lại các tín ngưỡng của cộng đồng thông qua các lễ hội; đồng thời mở các lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ cổ truyền để lớp trẻ hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống. Hy vọng rằng, với nỗ lực của ngành Văn hóa và đồng bào Raglai, những âm thanh độc đáo của nhạc cụ Raglai sẽ được bảo tồn, phát huy ngày càng bền vững.

Thêm một trao đổi