Bản tình ca trên non cao
Khi chiều buông nắng vàng khắp núi rừng, từ mọi ngả đường về Thị trấn huyện Bảo Lạc, từng đoàn người dập dìu với trang phục các dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... sặc sỡ sắc màu háo hức đến chơi chợ tình “Phong lưu”, tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bảo Lạc lần thứ 3. Màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng rằm tháng Tám lung linh huyền ảo với khung cảnh như miền cổ tích, những bản tình ca, tiếng khèn réo rắt gọi bạn được cất lên để gửi trao về miền thương nhớ...
Nam nữ dân tộc Mông thổi khèn và hát giao duyên trong đêm tại chợ tình “Phong lưu”.
LUNG LINH MIỀN CỔ TÍCH
Đêm xuống, dòng người kéo đến Thị trấn huyện Bảo Lạc càng đông... Sắc màu trang phục các dân tộc hòa dưới ánh trăng dệt thành đường hoa lung linh trải dài khắp các tuyến phố. Nhiều chàng trai vai đeo khèn, tay cầm sáo, còn những thiếu nữ đeo túi đựng giày vải, khăn tay... tìm nhau với ánh mắt tình tứ. Du khách hay bà con địa phương đến với chợ tình cùng tâm trạng háo hức, bâng khuâng. Anh Nguyễn Văn Thanh, du khách Hà Nội tâm sự: Khi biết tin huyện Bảo Lạc tổ chức chợ tình, chưa đi tôi đã thấy hấp dẫn và thu xếp đến đây trải nghiệm. Tôi bị cuốn hút khi nghe những bài tình ca đậm chất tình, lãng mạn của nam thanh nữ tú nơi đây...
Hai bên cầu và lối đi dọc bờ sông tại Thị trấn, từng tốp nam nữ đứng đối diện nhau, với tiếng hát ngọt môi, tiếng khèn réo rắt gửi nỗi nhớ tìm bạn. Nam nữ dân tộc Dao Đỏ hát đối đáp bằng tình ca sâu lắng, đằm thắm với nhịp kèn Pí lè rồi trao khăn cho nhau làm tin. Nam nữ dân tộc Tày, Nùng hát sli, lượn, đánh đàn tính. Các cô gái cất giọng: “Ơ... ơ... hơ, thương anh em thêu khăn piêu, em thêu bao sợi nhớ với cả tấm lòng. Đợi anh đã bao tháng ngày. Trăng ơi, trăng hỡi chứng lòng em đây...”. Còn các chàng trai hát đối lại: “Ơ... ơ... hơ, thương em anh băng qua suối. Qua bao ngọn núi với cả bao đèo, qua bao thác ghềnh... Trăng ơi trăng hỡi chứng lòng anh đây... Ơ... ơ... hơ, thương nhau ta cùng qua suối, cùng qua núi, cùng qua đèo... về nhà anh em làm dâu mới...”. Mỗi dân tộc có một loại hình hát đối, nhạc cụ riêng nhưng bài hát nào cũng được các cô gái, chàng trai hát lên từ tâm hồn, tình cảm sâu lắng mộc mạc như lời suối reo, chim hót... thể hiện yêu thương, thủy chung, khát vọng sống lãng mạn. Từ đó, hình thành đời sống tinh thần phong phú, bồi đắp tinh thần nhân văn trong cuộc sống đời thường của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Nam nữ dân tộc Dao Đỏ gặp nhau hát đối trong đêm chợ tình.
Bày tỏ cảm xúc phấn chấn đến hát chợ tình, chị Hoàng Thị Đâư, 20 tuổi bản Khau Pàu, xã Hồng Trị tâm sự: Đến với lễ hội, được xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ dân tộc Mông, Dao, Lô Lô..., tôi tự hào về văn hóa dân tộc mình. Hơn nữa, đêm nay tôi mong được bày tỏ tình cảm của mình gửi đến bạn trai mà trước đây chưa có dịp được bày tỏ...
Tại chợ tình “Phong lưu”, từ già trẻ, nam nữ không kể tuổi tác khao khát gặp nhau để trao gửi tình cảm, hẹn hò không chỉ để tìm bạn đời, mà còn để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn... Đêm càng về khuya miền cổ tích càng huyền diệu bởi những bản tình ca hòa trong tiếng khèn, sáo, nhị thêm nồng nàn, đắm say ngân xa quyện vào dòng chảy sông Gâm, theo tiếng gió ngàn vọng vào vách núi. Từng tốp nam thanh, nữ tú đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô... say sưa hát giao duyên, mời nhau chén rượu ngô nồng nàn...
NỒNG NÀN SẮC MÀU CHỢ PHIÊN
Đến chợ tình nơi đây, du khách còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc riêng có của chợ phiên Bảo Lạc. Ông Dương Tấn, thị trấn Bảo Lạc, người am hiểu sâu về chợ tình “Phong lưu” cho biết: Theo truyền thống, rằm tháng Tám hằng năm là phiên chợ vừa trao đổi hàng hóa, vừa để nam nữ các dân tộc đến đây gặp nhau, hẹn hò, tìm hiểu, trao gửi tình cảm kết duyên vợ chồng. Mùa thu cũng là mùa mà Bảo Lạc có nhiều sản vật núi rừng nhất. Thế nên xuống chợ, các chàng trai, cô gái đem các sản vật của mỗi vùng xuống trao đổi, mua bán cũng để mời bạn hữu, người thân quen thưởng thức. Vì vậy, phục dựng lại chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc đã phát huy cả hai giá trị đó.
Phụ nữ dân tộc Mông với trang phục truyền thống đến chợ tình.
Hào hứng thưởng thức đặc sản chợ phiên, chị Lê Thị Hoa, du khách Hà Nội phấn khởi chia sẻ: Tôi đã đi và trải nghiệm rất nhiều tỉnh miền núi nhưng hiếm có địa phương nào có văn hóa ẩm thực đặc biệt và hấp dẫn như chợ phiên huyện Bảo Lạc.
Thị trấn thêm rộn ràng, sôi động trong không khí thi đấu các bộ môn thể thao dân gian như: đi cà kheo, lày cỏ, kéo co, dệt vải kéo sợi... Cuốn hút hàng nghìn khán giả đến cổ động, đứng chật kín sân vận động hò reo. Màn thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp gồm những cô gái Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Tày bước đi uyển chuyển trong bộ áo váy sặc sỡ như những bông hoa đại ngàn khoe sắc... Bày tỏ tình cảm của mình đến dự Ngày hội và chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc, ông Hoàng Văn Huy, Cục trưởng Cục Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Phát thanh truyền hình huyện Nà Po, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết: Chợ tình, chợ phiên huyện Bảo Lạc tôn vinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo, giàu tính nhân văn của các dân tộc anh em huyện Bảo Lạc. Tôi rất hào hứng khi được xem các chương trình văn nghệ, thể thao dân gian đặc sắc. Tôi thấy việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của mỗi quốc gia, dân tộc. Qua đây, đoàn chúng tôi học hỏi thêm được huyện Bảo Lạc về gìn giữ các bài hát dân ca, dân vũ qua hình thức diễn xướng đời thường ngoài sân khấu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đây là cơ hội để hai huyện hai bên biên giới Nà Po (Trung Quốc) và Bảo Lạc (Việt Nam) có nhiều điểm tương đồng văn hóa dân tộc thiểu số tiếp tục giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo đồng chí Hoàng Thị Đà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc lần thứ 3 và chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc năm 2019, nét mới của chợ tình “Phong lưu” là giảm sân khấu hóa văn nghệ hát giao duyên trên sân khấu. Ban Tổ chức bố trí không gian diễn xướng đời thường cho bà con tại khu vực cầu, đường phố, dọc bờ sông Gâm của thị trấn. Bà con hát những bài hát giao duyên như trong đời sống tinh thần đời thường của mình.
Chợ tình “Phong lưu” còn gọi là “háng Toán”, “háng Phúng Lìu”, là phiên chợ truyền thống lâu đời huyện Bảo Lạc diễn ra ngày 30/3 và 15/8 âm lịch hằng năm. Phiên chợ mùa xuân 30/3, các chàng trai, cô gái tìm nhau làm quen, hẹn hò bén duyên để rồi đến phiên chợ 15/8 họ gặp lại tặng quà cho nhau và nói lời hẹn ước. Các xã, thị trấn lựa chọn nhiều sản vật ngon, đặc sắc riêng có đem đến trưng bày trong gian hàng ẩm thực để du khách gần xa thương thức, quảng bá, bán sản phẩm làm phong phú thêm nét đặc sắc ẩm thực huyện Bảo Lạc. Qua đó thúc đẩy các xã lựa chọn cây trồng, vật nuôi đặc hữu để đầu tư sản xuất thành hàng hóa uy tín trên thị trường. |
Trường Hà - Thế Hiển
Theo baocaobang.vn