Nhạc sĩ Huy Du cuộc đời và tác phẩm

Monday, November 14, 2022 5:29:19 PM

NGUYỄN HỒNG LAN
(ghi chép)

1. Những chia sẻ về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Huy Du

Tôi xin cảm ơn Viện Âm nhạc đã quan tâm đến việc tổ chức những buổi gặp mặt thế này, xin cảm ơn các anh chị em đã đến dự để nghe những tâm sự, chia sẻ về cuộc đời và tác phẩm của tôi vì chúng ta có thể sống với nhau mấy chục năm nhưng không phải đã hiểu hết về nhau về những suy nghĩ  trong quá trình “thai nghén”  những tác phẩm âm nhạc của tôi. Nhân có buổi trò chuyện hôm nay, tôi dành chút thời gian nói về những kỷ niệm tuổi thơ, quá trình tham gia hoạt động âm nhạc và những câu chuyện xoay quanh các tác phẩm của tôi để con cháu sau này biết và cũng mong các anh chị em lắng nghe và góp ý cho cuốn hồi ký tôi sắp ra mắt. Đây là một dịp khá đặc biệt vì năm nay tôi gần 80 tuổi và anh Trọng Loan cũng đã 80 rồi cũng khó để biết trước sau này ra sao nên xin mời anh chị em nghe một trích đoạn hồi ký của tôi:

Thời gian trôi qua đi kể từ lúc tôi mở mắt chào đời đến nay đã gần 80 năm rồi. Ở tuổi như tôi - khi con đường tiến lên phía trước cứ ngắn dần, thường quay về sống với dĩ vãng, sống với những kỷ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức từ tuổi ấu thơ. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đến cái ngõ Tố Tịch ngắn ngủi chạy xuyên từ phố Hàng Gai sang phố Hàng Quạt, nơi tôi đã sống lúc tuổi ấu thơ. Lúc đó tôi còn rất nhỏ tuổi, bởi theo bố tôi là một nhà giáo kể lại: năm 1928 bố tôi mới chuyển về đây dạy học ở đất Hà Thành, mà tôi sinh ra vào năm 1926 ở một làng quê vùng Kinh Bắc, cái làng quê nằm bên bờ sông Đuống thuộc phía Bắc phần của tỉnh Bắc Ninh. Bên kia sông là cái làng Hồ nổi tiếng vẽ những bức tranh Đông Hồ vẽ trên giấy dó. Hai, ba tuổi là cái tuổi mới bắt đầu chập chững nhận thức được cái thế giới bé nhỏ ở xung quanh mình. Tôi chỉ còn nhớ mang máng nhà tôi ở bên trong, qua cái sân nhỏ là ra ngoài trông ra đường là hàng thợ tiện, có cái máy tiện thô sơ bằng gỗ chạy xình xịch suốt ngày đêm. Cái thế giới xung quanh tôi được mở ra dần dần theo năm tháng, từ căn nhà nhỏ bé tôi đã dần dần tiếp xúc với hè ngõ phố cùng lũ trẻ con hàng xóm, kết bạn rủ nhau lân la đi khám phá cái thế giới xung quanh mình. Trên dọc hè ngõ Tố Tịch, đâu đâu cũng chỉ thấy đầy những vỏ bào trắng xóa vương vãi bên hè phố. Cái ngõ Tố Tịch xưa kia là nơi sinh sống của các hàng thợ tiện chuyên sản xuất những đồ thờ cúng bằng gỗ, từ những bát nhang, những chiếc lư hương, những chiếc khay tròn đựng hoa quả cho đến đồ chơi của lũ trẻ con thời ấy, những con yêu có rãnh chạy trên trông rất thích, vô cùng yêu thích. Theo thời gian lớn dần lên, tôi đã mò ra đầu phố Hàng Gai dán mắt vào các cửa hàng để xem những vòng hoa làm bằng hạt cườm lóng lánh bán cho những nhà có đám, thời ý có lẽ người ta ít dùng hoa thật như ngày nay để phúng viếng đám ma. Từ đầu phố Hàng Gai rẽ ra phố Hàng Đào để xem những người Ấn Độ đội mũ tròn như cái ấm ngồi trước cửa hàng bán vải đủ màu sắc. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi khi tôi lần mò dọc Hồ Gươm ra tận phố Tràng Tiền, ở đó có một nhà hàng rộng lớn, cửa kính trong suốt. Cửa hàng tên gọi Taverne Royale. Tôi mê mẩn dán mắt vào cửa kính xem một dàn nhạc dây phát ra âm thanh trầm bổng. Tôi còn nhớ trong dàn nhạc ấy gồm toàn người Pháp, trong đó có một người Việt dáng cao cao đứng ôm cái đàn bập bùng theo nhịp phách để cho những chiếc đàn dây réo rắt phát ra những làn điệu âm thanh mê mẩn lòng người và cũng chính cái dàn nhạc ấy đã tạo cho tôi một giấc mơ đi vào con đường âm nhạc sau này. Có một điều lý thú về cái ông người Việt trong dàn nhạc Tây ở Taverne Royale1 thuở ấy mà tôi ngưỡng mộ lại là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mà trong kháng chiến chống Pháp tôi được gặp anh tại trường Thiếu sinh quân Liên khu III khi tôi dạy nhạc ở đó. Sau này tôi lại công tác cùng với anh ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi anh làm Chủ tịch Hội và tôi làm Tổng thư ký cho đến lúc anh vĩnh biệt chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng cùng tiếng chuông nhà thờ anh viết trong thời kỳ chống Pháp.

Từ khi được nghe dàn nhạc thính phòng ở Taverne Royale thuở ấy tôi luôn mơ ước có được một cây đàn violon, nhưng làm sao mà có được bởi một cây đàn violon nhãn hiệu Copie de Stradivarius bán ở phố Bát Đàn thuở ấy phải với cái giá 500 đồng Đông Dương. Số tiền thật là lớn đối với một thằng bé học sinh mới mười mấy tuổi như tôi làm sao mà có được dù bố tôi là một nhà giáo lương bổng cũng khá. Ông vốn xuất xứ từ dòng Nho học chuyển sang Tây học và đã từng viết nhiều sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, đã từng được triều đình nhà Nguyễn phong tước Hàn lâm viện Thị độc đại học sĩ từ năm Kỷ Mão cho đến tước phẩm cao hơn Hàn lâm viện  Thị giảng đại học sĩ Trung Thuận đại phu vào năm Nhâm Ngọ. Nhưng quan niệm “xướng ca vô loài” còn tồn tại trong xã hội từ thời phong kiến, cho nên có lẽ ông coi âm nhạc chỉ là một thứ phù phiếm nên ông chẳng quan tâm đến sở thích của con mình. Thế rồi thì sự may mắn cũng đến với một thằng bé mới học lớp sơ đẳng như tôi (école supérieure), tôi đã có được một nhạc cụ để có thể gần gũi có âm thanh trầm bổng như tôi mơ ước. Gọi là nhạc cụ cho oai thực ra nó chỉ là một cái kèn nhỏ mà lũ học trò thời đó vô cùng yêu thích bởi nó nhỏ nhẹ cũng phát ra những âm thanh cao thấp, thổi lên được những giai điệu của những bài hát quen thuộc lưu hành trong thời, đó là một chiếc kèn harmonica mà tôi mua được ở cửa hàng bách hóa với cái giá 2 đồng bạc Đông Dương bằng số tiền mà tôi dành dụm được sau những buổi tối thứ bảy chia bài tổ tôm cho các cụ chơi vui được các cụ thưởng cho mấy hào. Hai đồng thời đó cũng là lớn vì lúc đó một tạ gạo chỉ có một đồng rưỡi cho đến hai đồng bạc Đông Dương. Thời gian này gia đình tôi cũng đã từ giã ngõ Tố Tịch ồn ào tiếng máy tiện chuyển về thuê một căn nhà hai tầng ở cuối dốc phố Trần Hưng Đạo đầu đường vào làng Nam Tràng bên bờ hồ Trúc Bạch - làng sống bằng nghề đúc đồng nổi tiếng xưa kia2. Từ khi có cái harmonica tôi mê mẩn tập suốt ngày đêm, tôi đã thổi được các giai điệu bằng tiếng Pháp lưu hành rộng rãi thời đó. Đến bây giờ tôi vẫn không quên những giai điệu trữ tình và những lời ca đầy chất lãng mạn của những bài hát thời đó như “Serenata” của Enrico Toselli!:

“Viens, le soir descend
Et l’heure est charmeuse
Viens, toi si frileuse
La nuit dejà comme un manteau s’étend”

Tạm dịch là:“Hãy đến với anh. Chiều đã xuống dần và thời gian càng trở nên huyền ảo. Hãy đến đi em. Em mảnh mai quyến rũ vì màn đêm đã buông xuống rồi”. Giai điệu đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và nội dung vô cùng lãng mạn, có nhẽ nó cũng ảnh hưởng đến cuộc đời sáng tác tôi sau này, những bài hát trữ tình trong sáng như thế, cũng như bài “Les beaux jours sont si courts” thì lại đầy tính chất trong sáng mà lạc quan:

“Les beaux jours sont si courts amoureusement
Garde -moi près de toi tendrement..”

 Xin tạm dịch:“Những ngày đẹp đầy tình yêu sao mà ngắn vậy. Hãy cho anh bên em một cách êm đềm…”.

Giai điệu giờ với tôi vẫn phảng phất đến 70 năm rồi và vẫn nhớ những giai điệu từ thuở ấu thơ và còn không biết bao nhiêu bài hát đã ngấm vào máu tôi từ lúc còn trẻ. Thế rồi năm tháng trôi qua tôi đã lên đến lớp nhất ở cái trường Hàng Than, cái trường mẫu mực có tiếng thời đó, còn gọi là trường Sư phạm thực hành cho các học sinh sư phạm đến đó thực tập gọi là elèves- maitres, có tên Tây là École d’application Henri Russier ở phố Jambert (tức là trường Nguyễn Công Trứ ở phố Nguyễn Trường Tộ ngày nay). Thời gian này lại có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tiếp xúc với âm nhạc của tôi, bởi tôi đã thực hiện được mơ ước là có chiếc đàn violon. Bố tôi ngoài việc dạy học ông còn viết rất nhiều sách giáo khoa và tự xuất bản, có lẽ do đời sống dư dật hơn nên ông đã cho tôi một số tiền nhờ mỗi lần bán được sách. Tôi đã mua được một chiếc đàn violon bị dập được dát lại của nhạc sĩ Đỗ Mạnh Thường mua hộ tôi với giá 200 đồng Đông Dương. Chẳng có tiền học thầy, tôi học qua bè bạn và mới đầu cũng chỉ là đánh những giai điệu của những bài hát đơn giản như “Serenade” của Schubert hay giai điệu của những bài hát  trữ tình Việt Nam như “Con thuyền không bến”, “Thiên thai”, hay giai điệu của các bài nhạc nhảy như “La cumparsita”, “Danube blue”….

Nhưng có lẽ cái ảnh hướng lớn đến sáng tác sau này của tôi chính là nơi quê hương sinh ra tôi. Tôi còn nhớ mãi mỗi kỳ nghỉ hè được bố mẹ cho về quê, về với mái nhà tranh, về với những cánh đồng rộng thênh thang, về với những đàn cò trắng đậu trên cành tre rung rinh trước gió, về với con sông Đuống đỏ ngầu nước đục phù sa, về với những cánh diều bay bổng trong tiếng sáo vi vu nơi tôi đã lọt lòng từ thuở sơ sinh. Tôi chẳng bao giờ quên con đường làng gồ ghề với những bước chân trâu chen lẫn với những mái nhà tranh vách đất, những đống rơm cao vút đầu người còn thơm mùi rạ lúa mà lũ trẻ làng thường chui vào chơi ú tim, những đống rơm mà thời ấy là nguồn năng lượng tạo nên ánh lửa hồng trong các căn nhà bếp đơn sơ với ba hòn đất mang thay cho cái kiềng được gọi là ông đầu rau. Chả biết vì sao được gọi là đầu rau chỉ biết nó là cái tên thân thuộc giống như ông Công ông Táo mà nhà nào hàng năm nhà nào cũng có lễ tiễn ông lên chầu trời. Nhưng ấn tượng sâu sắc, rung động lắng sâu vào tâm hồn mà không bao giờ quên được đó là những âm thanh, những làn điệu trong tiếng ru con của bà, mẹ, tiếng hát ví von của các cô thôn nữ có hàm răng hạt huyền trên đồng lúa xanh tươi. Tiếng hát Chèo ở sân đình làng trong những ngày khi làng có hội, tiếng đàn đáy trong điệu Ca trù mỗi khi có đám cưới đám xin và tiếng đàn nguyệt trong điệu hát Chầu văn hòa trong ánh sáng mờ ảo của khói hương theo nhịp quay của các cô đồng, tiếng kèn Lâm khốc não nề tiễn người sang thế giới bên kia.  Quê hương trải qua hàng chục năm đó đã trải qua biết bao thay đổi - các nhà tranh vách đất đã thay dần bằng những mái nhà ngói khang trang, con đường gồ ghề chân trâu được thay bằng gạch đỏ phẳng phiu - nhưng chỉ có làn điệu quê hương là không bao giờ thay đổi, nó vẫn ăn sâu vào tâm khảm của con người, đến bây giờ tôi vẫn nhớ điệu ru con bên cánh võng:“À ơi con ngủ mà ngủ cho ngoan. Để mẹ đi chợ mua tôm mua tép giỗ cha con mèo…”, tôi vẫn còn nhớ được những câu ru như thế. Cảm ơn quê hương đã sinh ra mình, đã đem đến cho mình bao điều mới lạ khi mới mở mắt chào đời. Cho đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên được làn điệu của bài Chèo “Trấn thủ lưu đồn” trong những ngày hội ở đình làng, hòa trong tiếng hồ, tiếng nhị sao mà tha thiết:“Ba năm mắc còn đang trấn thủ, tình dậu ới mà tình ơi..”. Tôi vẫn nhớ được những giai điệu như thế và điệu hát Ca trù trong những ngày có cưới xin hòa với tiếng đàn đáy, cùng tiếng nhịp phách cùng tiếng hát Ả đào vẫn còn đâu đó:“Hồng hồng tuyết tuyết. Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt biết có ra gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”. Không bao giờ tôi có thể quên được tiếng hát Chầu văn trong nhịp phách rộn ràng lôi cuốn của chiếc đàn nguyệt quyện trong hương khói theo nhịp quay của các cô đồng trong đền làng thuở ấy cũng như tiếng kèn Lâm khốc trong dàn nhạc Bát âm khi đưa tiễn các linh hồn từ biệt nhân gian đi vào cõi vĩnh hằng sao mà sầu thảm não nề da diết thế. Có lẽ chẳng có khúc nhạc bi ai nào (Marche funèbre) của phương Tây sánh được, rồi thì giọng ca “Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” của các cô thôn nữ khăn mỏ quạ yếm trắng, thắt lưng xanh răng hạt huyền cứ ví von trên đồng ruộng cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Tất cả những hình ảnh và làn điệu của quê hương ấy đã theo tôi mãi nó cũng tiềm ẩn trong sáng tác của tôi sau này:

“Trải dài muôn dặm đường xa,
Vang vang tiếng nhạc quê nhà cố hương”…

Đây là trích đoạn mở đầu trong hồi ký của tôi viết về tuổi thơ, một cậu bé con ấp ủ tình yêu âm nhạc từ lần được chiêm ngưỡng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và dàn nhạc giao hưởng ở Taverne Royale. Sau này và cả sau tất cả những tháng ngày trên hành trình hành quân từ Đường Chín Khe Sanh đến dải Trường Sơn hùng vĩ, rồi ấn tượng về những con người tôi gặp khi đất nước đang trong công cuộc tái thiết xây dựng lại, từ Bắc vào Nam rồi đến Bạch Long Vĩ xa xôi nơi tôi từng đặt chân đến, những nơi đi qua thì ký ức tuổi thơ đó đã là một phần cuộc sống tạo nên cá tính âm nhạc lãng mạn, trữ tình in đậm trong những sáng tác của tôi (Sóng nước Ngọc Tuyền, Ba Vì năm xưa, Hoa mộc miên, Tình em, Bài ca mùa thu, Chiều không em…). Tóm gọn cuộc đời tôi và hiểu tương đối về nó là GS Trần Quốc Vượng- người đã khái quát con đường âm nhạc của tôi (nhân dịp tôi 60 tuổi) từ sơ khai cho đến sau này. Đây là phần giới thiệu của GS Trần Quốc Vượng trong đêm nhạc của tôi:

Hôm này là ngày quốc tế phụ nữ 8/3, nhà triết gia lớn và nhà văn lớn André Maurois có nói rằng:“Sự nghiệp của mỗi gã đàn ông chúng ta đều có vị trí và vai trò trọng yếu của một người đàn bà nào đó”, cho nên tôi cho rằng lời mở của đêm nhạc Huy Du hôm nay tốt nhất là chúng ta gửi lời cảm ơn nữ nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung và các bạn gái của anh có mặt trong đêm hôm nay.

Thưa các đồng chí và các bạn! “Không có âm nhạc cuộc sống sẽ là một sai lầm” - đó là lời của triết gia Nietzsche; “Cuộc đời thiếu tiếng hát khác nào cuộc sống vắng ánh mặt trời” - đó là lời của triết nhân Fuchsick. Trớ trêu thay cả hai đều đồng quy trong tư tưởng phương Tây, thể hiện rõ vị trí trọng yếu của âm nhạc trong lịch sử loài người. Tư duy phương Đông cổ truyền bí nghiệm hơn từ lâu đã nâng âm nhạc lên hàng Đạo. Nhạc đạo đã khiến nảy sinh những nhạc sư lớn có nhân cách có thể nói thẳng với người Quân chủ rằng:“Đức độ và phẩm hạnh của Chúa công chưa đủ lớn để nghe nhạc đó, tôi không dám gẩy hầu Chúa công”. Ở Đại Việt ta cuối thời Lý, một thiền sư - nhạc sĩ thấy vua ham nghe những khúc thức ủy mị đã có thể can gián thẳng thắn trước mặt vua và quần thần:“Đấy là điềm nước loạn, nước mất”. Ngày nay, chúng ta đều thừa nhận rằng âm nhạc là thuộc kiến trúc thượng tầng và những mâu thuẫn đối kháng phát triển ở cấp độ kinh tế và xã hội là ở bình diện cơ sở của âm nhạc nhưng phép biện chứng mở lại cho rằng âm nhạc cũng như văn hóa nói chung một khi đã đi sâu vào trong lòng quần chúng thì cũng có thể trở thành sức mạnh vật chất. Tôi cho rằng cái thái cực nhạc Huy Du nói theo danh từ Đạo học Đông phương nằm trong thái cực nhạc Việt Nam trong ba bốn chục năm qua trên bán đảo hình rồng này đã có một sức mạnh như thế. Người nhạc sĩ mặc áo lính  với ngôi sao vàng trên mũ ngoài ba chục năm này có lẽ chưa hề bắn ngã một tên giặc thực dân cũ, mới nào, nhưng âm hưởng hào hùng của nhạc Huy Du có một sức mạnh lớn. Người bạn chiến đấu và người bạn văn của anh là Xuân Thiều bảo với tôi:“Có vào chiến trường mới nghiệm sinh hết mình ảnh hưởng của Huy Du”; và nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn là chiến sĩ thì bảo:“Cái chất xao xuyến của nhạc Huy Du đã đi vào lòng chiến sĩ”. Đêm Trường Sơn mưa ướt núi rừng và cô chiến sĩ nuôi quân trẻ đẹp hết lòng vì đồng đội mà phục vụ trên lưng đèo Trường Sơn ấy, đã xui đã khiến cái giai điệu tiềm ẩn “Nổi lửa lên em” đến với bản thân Huy Du; để đến lượt mình Huy Du trả lại khúc ca tình nồng đượm ấy cho đồng đội, cho mọi người kể cả cho người con gái xinh đẹp ấy cho dù hương hồn nàng có chăng thì chỉ còn vương vấn quanh nấm mồ Trường Sơn. Một con người tài hoa như Nguyễn Khải mà cũng phải phát ghen lên vì cô gái nuôi quân ấy được chính nó (tức là Huy Du) ca ngợi chứ không phải là mình. Còn tôi, thì lại chẳng dám ghen tị với Cao Nhị, với Xuân Khách nữa khi các anh đã chắt lọc ra nét thần thái nhạc Huy Du, nhận định rằng Huy Du là nhạc sĩ mà:“bài hát này thì nâng tâm hồn trẻ thơ lên ngang tầm vóc anh hùng, bài hát khác lại đưa người anh hùng bước vào trang sách các em thơ!”. Antoni Barnets bảo rằng: “Cuộc cách mạng Pháp liệu sẽ ra sao nếu không có bài La Marseillaise (quốc ca Pháp) và cuộc cách mạng cộng sản liệu sẽ ra sao nếu không có bài L’internationale (Quốc tế ca)”, còn tôi cũng muốn nối lời ông mà bảo: cuộc Cách mạng Tháng Tám liệu sẽ ra sao nếu không có bài “Tiến quân ca” và công cuộc chống Mỹ cứu nước sẽ ra sao nếu không có những đàn em của Văn Cao như Huy Du và bao nhạc sĩ khác, bài ca khác. Nếu một Văn Cao, một Huy Du hay một ai khác trong giới nhạc tự nói to như vậy e rằng có ai đó sẽ phán rằng các anh cao ngạo tự đặt mình lên trên hay lên ngang cách mạng nhưng tôi là người ngoại đạo. Tôi tự cho mình cái quyền nói to lên như vậy dù là quyền sai lầm, rằng chính nghệ sĩ đã làm ra chứ không phải chỉ tham gia cách mạng trong kháng chiến như mấy chục năm qua với mọi sự sôi nổi, mọi sự vụng về và ngu dại nữa kia như mọi người. Trước cử tọa, các bậc minh triết bao giờ cũng nói theo trật tự sau:“ Thưa các nghệ sĩ yêu kính, thưa các nhà khoa học yêu kính…”, là nhà khoa học tôi không hề tự ái. Khoa học đến với giới tôi bằng ngả đường hữu thức, còn giai điệu đẹp đầy sức sống đến với Văn Cao, Huy Du và giới anh từ đâu vậy? Chúng, phần lớn nếu không phải là tất cả đến với các anh mà chẳng hề báo trước, xuất xứ từ đâu ai có hay và chỉ đến với những tài năng âm nhạc với những ai có hồn nhạc. Giai điệu bất ngờ đến với những hồn nhạc từ vô thức đâu phải cứ muốn gọi chúng đến lúc nào cũng được. Người nhạc sĩ mà bởi cớ đó đêm nay chúng ta, những bạn bè mến mộ anh thuộc đủ mọi lứa tuổi trẻ già trai gái, có chức danh lớn như các anh Lê Quang Đạo, Trần Độ, v.v… hoặc có danh phận tầm phào như tôi tập họp nhau tại đây. Người nhạc sĩ ấy, người chiến sĩ ấy đã đi trọn một chu kỳ sinh học của đời người ở độ tuổi 60 lẻ một hai gì đó và lẻ bao nhiêu là đã lãi bấy nhiêu vì anh đã sống đủ đầy cuộc sống cách mạng và kháng chiến. Cuộc sống thời quá độ và qua gần 300 ca khúc, nhạc phim, nhạc sân khấu, kể cả vài bản nhạc không lời nữa. Anh đã trả lại cũng khá sòng phẳng cho đời với đặn đầy niềm yêu thương và tin tưởng, đôi khi ngờ nghệch ngây thơ nữa. Tôi sẽ không nói đến một Huy Du được giác ngộ cách mạng từ trước cuộc cách mạng mùa thu và đã cầm cờ đỏ sao vàng chiếm trại Bảo an ninh ngày Tổng khởi nghĩa giữa lòng Hà Nội. Tôi cũng không nói đến một Huy Du Trưởng đoàn văn công Bộ Tư lệnh Liên khu III - cái lò lớn của âm nhạc kháng chiến, âm nhạc lãng mạn cách mạng thời đánh Pháp. Tôi cũng không nói đến một Huy Du - Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị thời đánh Mỹ, một Huy Du - Bí thư Đảng Đoàn, rồi Huy Du - Tổng thư ký Hội nhạc sĩ từ 9-10 năm nay. Tôi rất kính trọng các chức vụ lãnh đạo của anh và các chức vụ lãnh đạo khác nói chung, nhưng tôi muốn cố ý nhắc lại ở đây lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng hơn hai chục năm trước nói với chính tôi và giới của tôi rằng vấn đề là làm được việc gì chứ không phải là làm cái ông gì? Tôi muốn trên tình bè bạn nói với Huy Du rằng:“Những chức vụ lãnh đạo sẽ qua đi, còn những giai phẩm âm nhạc của anh đã và sẽ để đời”. Huy Du đến với âm nhạc khi đã trưởng thành, gần như cùng lúc đến với cách mạng. Hình như đã có người viết như thế về anh, đã có người lấy Huy Du làm đề tài luận văn đại học và cũng viết gần như vậy khi viết về anh, nhưng tôi lại thích cái tứ này do học lỏm được của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát:“Người ta phải học nhạc từ khi còn nằm trong bụng mẹ”, từ thuở bé thơ chú bé Huy Du vẫn cùng bè bạn đi nghe đàn hát trong các dịp tế lễ, hội hè đình đám ở quê hương xứ Bắc. Những âm hưởng của các làn điệu Ca trù trong đám cưới, điệu kèn Lâm khốc trong đám ma, tiếng hát Chèo sân đình ngày hội làng, tiếng nhạc Chầu văn quyện trong khói hương của Mẫu, tiếng hát ví véo von ngoài đồng ruộng, tiếng sáo diều sáo trúc sau lũy tre xanh đã hồn nhiên minh nhiên lọt vào tâm thức Huy Du. Theo tôi đấy là cái tảng nền dân tộc dân gian tiềm ẩn của nhạc Huy Du để chờ dịp phát lộ sau này. Nhưng cội rễ không có nghĩa là cơ cấu, cấu trúc âm nhạc Huy Du cũng như phần lớn nhạc sĩ đồng thời với anh là cấu trúc âm nhạc phương Tây hiện đại được tiếp thu và hội nhập vào dòng nhạc Việt Nam trong và sau thời thuộc địa. Kiến thức âm nhạc của Huy Du trước năm 1945 thì cũng ít ỏi thôi qua tự học, chỉ sau năm 1955 - 1962 học đại học sáng tác ở nước ngoài thì tri thức âm nhạc Huy Du mới được nâng lên có hệ thống. Nhưng tạo nhạc cũng như tạo hình chủ yếu là nghệ thuật chứ đâu phải chủ yếu kỹ thuật, âm nhạc cũng như mọi nghệ thuật khác được phát lộ từ tâm từ tình chứ không phải từ trí từ lý, kỹ thuật hướng tới khách thể, còn nghệ thuật là cái nhìn nội quan của chủ thể của sáng tạo.“Ba Vì năm xưa”, “Sẽ về thủ đô”, “Những gác chuông giáo đường”, “Tôi yêu hòa bình”, v.v..  thì về mặt kỹ thuật còn nhiều cái non nớt, còn nhiều chất bản năng như chính Huy Du tự thú trước bình minh nhưng sao nó đi vào lòng người đến thế! Chính vì nó mang đậm xúc cảm chân thực của Huy Du, yêu chân thành, thương nhớ thiết tha, uất hận thực lòng, đấy chính là hiện thực - hiện thực nhạc Huy Du. Một hiện thực mà lãng mạn, nét cơ yếu của thế hệ anh, duyên dáng mà sức lực, say đắm mà rộn rã, thiết tha mà hào hùng. Bạn bè âm nhạc bảo nhạc Huy Du đã tương đối chín từ thời kháng chiến chống Pháp. Kết thúc thời học hành đại học với nhiều tác phẩm mà nổi bật là hai bản nhạc không lời và ca khúc “Hoa gạo đỏ”. Nhưng nhạc Huy Du thực sự nở rộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “khi cả vũ trụ theo ta vào trong chiến trận”, với vốn sống vốn chín trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, nghệ thuật và kỹ thuật thanh âm được nâng cao qua đại học nước ngoài, Huy Du lao vào đi và viết, đi biên giới, đi hải đảo, lên đỉnh Trường Sơn, vào Nam ra Bắc, viết trong khi đi, viết trong khi ngồi ở Hà Nội soi tâm tình  hồi cố những ngày đi. Đa dạng về đề tài, đa dạng về hình tượng chủ đề - giai điệu, chắc tay hơn và sâu sắc hơn, trữ tình hơn mà chất hùng ca cũng đậm đà hơn sức lay động lòng người vì thế mà cũng lớn hơn lên. Nhạc sĩ, đảng viên, chiến sĩ quân đội nhân dân già dặn tuổi đời - tuổi Đảng - tuổi quân thì cố nhiên là anh phải tìm cảm hứng trong cuộc sống chiến đấu lao động sôi động của quân đội và nhân dân, lấy đề tài từ số phận nóng bỏng của dân tộc từng ngày từng giờ được đặt thành vấn đề tồn tại hay không tồn tại, độc lập hay là chết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Nhưng, cái giỏi cái hay nơi tài năng âm nhạc Huy Du là những nhu yếu khách quan đó của cuộc đời Việt Nam không áp đặt lên anh như một gánh nặng nhọc nhằn mà đã được nội tâm hóa như một lòng tự nguyện rồi được xuất lộ ra qua ca khúc như một sự hiến dâng. Những ca khúc của Huy Du thời chống Mỹ mang đậm đà bản sắc cá nhân, các giai điệu cuộc đời đã được Huy Du hóa. Có người bảo chất nhạc của Huy Du là chất militaire (quân đội) trữ tình, tôi thì tôi cho rằng trữ tình - lãng mạn cách mạng là hằng số văn hóa, hằng số âm nhạc Huy Du, hằng số trên các biến số “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đường chúng ta đi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”,v.v... Hơn 10 năm gần đây vẫn vậy, ca từ của  nhạc Huy Du phần nhiều là thơ, đã mang sẵn âm điệu trữ tình và Huy Du sòng phẳng bày tỏ lời tạ ơn với những thi sĩ Chính Hữu, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Hữu Thung năm trước, với những Trinh Đường, Xuân Sách, Phạm Tiến Duật, Dương Hương Ly, Phan Thị Thanh Nhàn, Giang Lam,v.v… hôm nay. Và ca từ riêng anh cũng mượt như thơ, cái chất lãng mạn cách mạng trong hằng số âm nhạc của Huy Du mà Cao Nhị bảo giản dị như lời yêu của mẹ, trong sáng như tiếng sáo diều, bay bổng như cánh cò và hào hùng như tiếng đoàn quân rầm rập ra trận vẫn ẩn hiện trong các ca khúc gần đây của anh: “Khát vọng mùa xuân”, “Nhớ về cửa biển”, “Chợ Chờ em vẫn chờ ai”…

Thưa các đồng chí và các bạn, chúng ta thấy một Huy Du  đã chín trong kháng chiến chống Pháp, một Huy Du nở rộ trong thời chống Mỹ, một Huy Du vẫn vững vàng, sôi nổi trong hòa bình xây dựng, từ một Huy Du trẻ trung, vụng dại đến một Huy Du già dặn. Huy Du đã và vẫn là một nhạc sĩ của quân đội, một nhạc sĩ của tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng của mùa xuân”.

* Chặng đường sáng tác ca khúc - những kỷ niệm

Theo suy nghĩ của tôi, tác phẩm âm nhạc nào cũng có nguồn gốc từ đâu đến bởi vì âm nhạc không thể từ trên trời rơi xuống mà phải từ cuộc sống mọc lên. Các sáng tác của tôi đều có nguồn gốc của nó mà trong đó phần nhiều tác phẩm vẫn có hơi hướng từ những cái mình đã sống từ thời tuổi thơ. Giống như anh Nguyễn Xuân Khoát đã từng nói, âm nhạc phải vào máu mình từ thuở nhỏ. Khi âm nhạc đã ngấm vào máu thì nó không phải là cái mô phỏng nữa. Ngay bây giờ nếu tôi viết những bài sử dụng chất liệu ở vùng Quảng Trị- Hà Tĩnh là tôi viết cũng khó bởi vì lúc bé tôi không được tiếp thu, không được nghe dân ca của vùng đó nên chất liệu âm nhạc đó nó chưa ngấm vào tôi. Tôi có thể dùng kỹ thuật để viết nhưng nó không được sâu sắc, không thể viết Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh hay như anh Trần Hoàn được. Anh Trần Hoàn viết rất nhuần nhuyễn bởi vì anh là người Quảng Trị. Tôi vốn sinh ra ở vùng Kinh Bắc, thuở bé sống ở Hà Nội nên có điều kiện tiếp thu nhạc Tây. Tôi đã học violon từ rất sớm, hồi đó không có tiền học thầy nên tôi học bạn. Tôi mượn được mấy quyển method, anh em bạn bè chỉ bảo thêm và cứ thế là tập. Thời đó cũng chỉ tập để chơi giai điệu của một vài bài ca khúc trữ tình như Con thuyền không bến, La Cumparsita và một số điệu nhảy để có thể phục vụ hay đi chơi ở những tiệm nhảy, quán bar. Tôi đã từng cầm đàn violon chơi ở rạp Tố Như giữa những màn chen (interscène), chơi mấy bài dưới sự chỉ đạo của ông bầu. Bước đầu tôi đi vào nhạc cụ rồi sau đó dần dần tôi bắt đầu muốn sáng tác. Trước Cách mạng tôi đã sáng tác một số bài như Chiều nơi sa trường, Quê hương. Những sáng tác lúc đó vẫn còn “lãng mạn kiểu vu vơ” nhưng cũng được in ở nhà in Librairie Ngoạn. Sách in bằng giấy mỏng được bày ở mẹt bán vỉa hè. Để được in sách cũng phải kiểm duyệt nghiêm túc giống như Nhà xuất bản Âm nhạc bây giờ. Lúc đó tôi với anh Phong Nhã rủ nhau đi gửi bài để duyệt. Nơi duyệt là Bộ Thông tin và anh Thẩm Oánh là người duyệt tác phẩm. Tôi còn nhớ sau khi đưa tác phẩm đến duyệt, mấy hôm sau đến lấy thì thấy được phê một chữ “sai luật”. Những người hiểu biết giải thích là: “anh làm không cân đối”, không theo đúng luật cân đối L’équilibre. Thế là mình cứ đinh ninh cái L’équilibre có nghĩa là câu nào cũng phải cân đối. Cái đó ảnh hưởng rất ghê. Từ cách hiểu sơ đẳng đó, khi viết Tôi yêu hòa bình thì câu nào cũng dài đúng bằng nhau:

Tôi yêu hòa bình như đôi chim xinh ríu rít ca bình minh
Tôi yêu quê người  ánh mắt sáng ngời đang hát vui bên giời
Tôi yêu hòa bình tôi yêu nhân dân thắm thiết như  mùa xuân…”

Bài có 4 câu cân đối, mỗi câu mấy measure (nhịp) là đúng như thế. Đấy cái hiểu sơ đẳng lúc mình chưa được học hành,  nhưng bởi vì phải có xúc cảm mới viết nên bài này thời ý cũng phổ biến.

Năm 1944 bắt đầu chuẩn bị cho khởi nghĩa, theo trào lưu dân tộc, tôi tham gia vào những hoạt động của thanh niên cứu quốc. Chúng tôi tổ chức được một đội nhạc cách mạng của Thanh niên cứu quốc: anh Phong Nhã thổi sáo, anh Thụ và tôi chơi violon, chủ yếu phổ biến những bài nhạc mang chất Cách mạng đã được in ấn thành bản thời đó như: Ải Chi Lăng, Lên đàng… Đến khi tổng khởi nghĩa bắt đầu, về chiến khu II, vì bên trên thấy mình chơi violon nên mới đưa tôi về đội tuyên truyền, sau có cả Nguyễn Đức Toàn tham gia ở chi đội 2 của Đỗ Nhuận sáp nhập vào thành đội tuyên truyền của quân khu II.  Thời đầu cách mạng, những bài như: Con thuyền không bến, Thiên thai… được nhiều người nghe, kể cả các cán bộ cũng rất thích thú, chẳng có ai phê phán. Kể từ khi mình tiếp xúc với lý luận văn hóa của Trung Quốc, quan điểm về văn hóa có những cái mới, phục vụ dân sinh. Chịu ảnh hưởng của trào lưu mới, tôi cũng chuyển hướng. Ngày đầu kháng chiến, năm 1946 tôi viết bài Sóng nước Ngọc Tuyền:

“Thuyền ai bập bềnh trên sóng
Vương theo tơ đồng trầm buông
Con thuyền bập bềnh theo sóng nước

Đấy là bài có chất lãng mạn nhiều, ảnh hưởng của Pháp với tiết tấu nhịp điệu tango. Vì tôi nghĩ là đã có bài Thiên Thai thì tại sao không có bài Sóng nước Ngọc Tuyền? Tất nhiên mình không thể so sánh mình với ông Văn Cao được nhưng do lúc đó tự tình cảm của tôi có một cảm xúc đặc biệt nên tôi vẫn chọn đề tài này. Sau đó tôi bước vào những đề tài chiến đấu với những bài viết về những nơi mình sống. Thời đó nếu được học có thể tôi sẽ viết theo lối sonate hay viết ca khúc có refrain (điệp khúc) câu đoạn rõ ràng nhưng vì chưa được học mà mình lại muốn nói nhiều nội dung vấn đề nên tốt nhất là viết nhiều đoạn. Cho nên ngày xưa, đa số tôi viết nhiều đoạn nhưng là viết tự do chưa có bài bản, không có biến đổi nhiều về hòa thanh, có khi chỉ loanh quanh trong Tonic, Dominant, Sub dominant, v.v… Thời chống Pháp có mấy bài quần chúng hát nhiều như Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô. Ba Vì năm xưa tôi cũng viết form như Sẽ về thủ đô được chia rất nhiều đoạn. Ba Vì năm xưa được viết khi tôi sống ở đất Ba Vì, Sơn Tây. Đất Ngọc Nhị, mở mắt ra là nhìn thấy đỉnh núi Ba Vì, nó gợi cảm xúc nên khi tôi đi họp với anh Quang Dũng tôi đã viết ngay bài đó trên đường đi.

Bài Những gác chuông giáo đường thì ít người nghe hơn vì bài thuộc khu vực công giáo nhưng ở khu III thì cũng nhiều người biết. Bài được viết lúc tôi đi công tác vào vùng địch hậu ở Nam Định, Thái Bình - là đất của nhà thờ. Đây cũng là bài sát với tình hình chính trị nhưng không khô cằn. Bài cũng được viết theo kiểu nhiều đoạn, dựa theo thơ của nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng thời ý:

Những gác chuông giáo đường giữa đô thành tiêu thổ
Những dãy nhà chung mở muôn cửa sổ..”

Giáo dân nghe cảm động và khóc, vì nó phản ánh thực tình cảnh của họ, và tất nhiên có cả tác dụng của lời ca và âm nhạc nữa.

Qua ba bài chống Pháp, có thể nói chất nhạc của mình sáng tác thời đó còn bản năng và chịu ảnh hưởng từ âm nhạc trước cách mạng, nó bám vào cuộc sống phản ánh được đề tài của cuộc sống. Không có cảm xúc chẳng có ý nghĩa gì cả và kinh nghiệm cuộc đời tôi là những bài thành công là những bài xúc động thực sự. Có những bài mình tưởng là thành công thì lại không được bởi vì nó chưa đạt được đến cảm xúc.

Giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn mình đã được học nên cũng viết chắc tay hơn như: Anh vẫn hành quân, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi,v.v… Riêng trong chống Mỹ, tôi nghĩ rằng thời kỳ đó người ta rất chú ý đến tiết tấu, nên tôi mạnh dạn dùng tiết tấu vào Nổi lửa lên em và đưa cả một đoạn trong Đường chúng ta đi. Các bài có thành công phải thông qua cuộc sống của nó, chỉ có cuộc sống mới chứng thực được giá trị thật sự của tác phẩm, chứng thực tác phẩm đó có đi vào lòng người ta hay không. Tôi có nhớ rằng thời đi Bạch Long Vĩ tôi viết Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi và một hợp xướng Tiếng kèn cứu nước. Nhưng lúc về thì bản hợp xướng đó không được dựng, bị phê phán là đang lúc nước sôi lửa bỏng lại viết trữ tình. Mình cũng phải chấp nhận nghe thôi vì mỗi tác phẩm khi nó chưa vào cuộc sống thì khó nói. Ngay gần đây nhất tôi vào Sài Gòn, tôi với anh Hồ Bắc được Đài Truyền hình mời viết bài, đặt rõ là tình ca, đấy là đề tài hóc búa đối với tuổi 78. Thế mà có một đêm đi với anh Hồ Bắc đến quán nhạc tên là Thanh Xuân có dàn nhạc sống, ở đấy chúng tôi gặp một nữ đại tá quân đội hát rất hay và được trò chuyện với cô; đêm hôm ý về rất nhiều cảm xúc, tôi viết ngay bài:

Đêm Sài Gòn, đêm Sài Gòn anh gặp em, trong cơn mưa,  cơn mưa chiều dịu mát
Đêm Sài Gòn anh gặp em dưới ánh đèn lung linh, đôi mắt em cười xinh đang ca vang khúc ca hùng tráng
Đêm Sài Gòn anh gặp em, nhớ tới năm xưa trên con đường giải phóng, anh dẫn em đi khi mùa xuân tỏa nắng
Này em ơi, này em ơi! thời gian dẫu có trôi qua bao mùa gió chướng nhưng tình anh vẫn trông về một hướng
Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố của niềm tin bao nghĩa bao tình…

Cái khó nhất vẫn là xúc cảm, xúc cảm nó phải có cuộc sống của nó, tất cả tác phẩm của tôi người thực việc thực. Khi tôi đi Đường Chín Khe Sanh, có một cô ở Bộ tư lệnh nuôi quân rất là xinh, rất chu đáo với anh em cán bộ chiến sĩ. Bọn tôi Xuân Sách, Thanh Tâm, đi đâu về là cô gói cho nắm gạo rang, hay nắm cơm, v.v...; có hôm tôi đi về được chiêu đãi rau rừng cho nên mới có:

“Một gánh rau rừng còn ủ kín yêu thương
Nhớ nắm gạo rang đường ra chiến trận
Phút ngọt bùi thiếu nắm cơm ngon…

Bài này gốc là thơ của Giang Lam, cũng là thiếu sinh quân học tôi ngày xưa, sau là phóng viên của nội thương, cậu ý viết  bài “Em cũng hành quân” để tặng mình, để ca ngợi cô cấp dưỡng của bên nội thương; sau vào chiến trường mới đem bài này ra và bổ sung thêm lời sửa lại thành Nổi lửa lên em. Sau tác giả Giang Lam cũng đổi tên là Nổi lửa lên em chứ không để Em vẫn hành quân.

* Một số vấn đề phổ thơ cho nhạc

Nói chuyện âm nhạc gắn liền với thơ, tách ra thì khó. Nhân tiện đây tôi cũng muốn trình bày quan niệm của tôi. Ai đã làm nhạc cũng biết phổ thơ có rất nhiều hạn chế. Thực tế thơ mang hình tượng của thơ là hình ảnh và từ ngữ tạo nên hình tượng của thơ, âm nhạc tạo hình tượng của âm nhạc, từ hình tượng của thơ sang hình tượng âm nhạc là hai vấn đề khác nhau. Không phải đơn giản cứ có thơ là có nhạc, như thế gọi là hát thơ, giữa các nhà thơ và nhạc đang có những tranh luận chưa có hồi kết, tôi rút ra bài học là phổ thơ của ai tôi lưu nguyên bản, tôi sửa như nào để lưu nguyên, ít bài phổ mà nguyên xi, đấy là bài học kinh nghiệm.

Bài Tình em được sáng tác năm 1962. Lúc đó mình mới ở Trung Quốc về, đất nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, một hôm tôi giở báo Văn nghệ đọc được bài Tình em của Ngọc Sơn và chả biết tác giả là ai, đọc cái mình rất xúc động bởi vì tất cả hình ảnh nó gợi cho mình những thời mình đã sống. Kháng chiến chống Pháp cũng đi cũng phải xa nhà, đi 6-7 năm có về nhà đâu, mẹ mất không về, lang thang suốt cuộc đời như thế, vì vậy khi đọc bài thơ ý là rung động ngay, viết một tối đã xong. Tôi nghĩ rằng, trong ca khúc lời phải có chất thơ mà khi đi học tôi thấy Schubert phổ đa số là thơ của Schiller và Goethe. Tchaikovsky phổ của Puskin rất nhiều, phải có chất thơ ở trong nhạc. Bây giờ mà thiếu chất ý nó thiếu lôi cuốn, vậy chất thơ là cái gì? Là trong nhạc anh phải gieo đúng vần thơ vào vần nhạc. Trên thực tế có cái khó của nó.

Thế đấy tôi rút ra bài học là nếu có viết ca từ, thì cần hết sức chú ý để sao tạo cho nó chất thơ.  Ví dụ bài Nhớ về cửa biển tôi viết:

“ Nhớ chiều nào ra khơi
Sao thương nhớ đầy vơi
Năm tháng lênh đênh theo lời biển gọi
Sao chỉ hướng chân trời xa vời vợi
Càng thêm thương thêm nhớ vô vàn
Em ơi biết chăng, biển xa sóng lớn
Lúc giông tố trùng khơi
Gối theo sóng dạt trôi
Cánh hải âu rời biển
Tình thương nỗi nhớ bao giờ nguôi
Trông ngôi sao Mai nhớ thương ai mà sao nhớ thế
Nhớ hương lúa đồng quê
Nhớ tiếng hát mẹ ru
Những ngày xa cửa biển
Thủy chung sóng vỗ
Theo nhịp tiếng đời
Biển ơi, biển ơi, biển ơi!”

Phải có chất thơ ở trong đó, dùng hình ảnh của thơ và vận thơ phải vào với vận nhạc, đôi khi không hẳn nhà thơ nào cũng biết chuyện đó. Nhưng khi đã thành nhạc thì lời thuyết minh cho hình tượng của nhạc, khi đã phổ bài thơ có hình tượng âm nhạc thì bịt thơ đi mà vẫn có hình tượng âm nhạc thì đó là sự thành công như bài Bạch Long Vĩ đảo quê hương:

Bạch Long Vĩ đảo quê hương
Em đứng trên biển Đông
Thôn xanh Phù Thủy Châu
Mênh mông sóng bạc đầu
Gió rì rào năm tháng”

Khi phổ nhạc bao giờ tôi cũng để ý đến vần thơ. Hiện tại có một số nhà thơ và nhạc sĩ nhìn nhận theo lối “công tôi nọ kia”, vấn đề đó không đúng. Nói thật có những bài mình sửa rất nhiều. Ví dụ như bài Việt Nam trên đường chúng ta đi, thực tế câu:

Miền Nam ơi! Miền Nam
Ôi bóng dừa xanh, ôi bóng dừa xanh
Những đỉnh núi khuất mây mù xa tắp
Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc
Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên…”

Đây là các câu thơ không phải nguyên xi của Xuân Sách. Khi viết lời, tôi có mượn cả thơ của Hoàng Trung Thông. Chả nhẽ lấy có mấy câu thơ cũng ghi hết tên vào thì hơi kỳ. Ở Trung Quốc hàng tháng có xuất bản tập ca từ chuyên cho những người sáng tác chứ không phải là thơ. Năm 1980 tôi chuyển ngành, có thời gian và điều kiện đi thực tế để sáng tác. Tôi thấy rõ ràng là đối tượng khác như thế mình phải đi tìm cái suy nghĩ gì mới và đồng thời phải thể hiện được cái gì mới hơn. Suy cho cùng vẫn giữ được bản sắc của mình nhưng thể hiện cái mới hơn, đấy là cái tôi nghĩ thế. Sau chống Mỹ tôi cũng được đi, tuy không nhiều như anh Cát Vận được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Ví dụ như đi Hải Phòng, anh Hồ Bắc viết Bến cảng quê hương; tôi đi cùng anh Lương Ngọc Trác, rồi viết Nhớ về cửa biển, lúc ý tôi viết đã có chất tiết tấu vì tôi viết theo điệu Bolero. Sau đi Bắc Ninh, Yên Phong tôi viết Chợ Chờ. Đôi khi mình tìm những bài thơ nói về những tình cảm riêng, ví dụ như: “Chỉ tại đường chân trời vẫn mọc xa vời vợi vẫn gợi về nhớ thương..” rồi thì:

 “Nhớ mỗi khi chiều đến là lòng những bồi hồi
Lưng trời dâng kỷ niệm nhắc một thời xa xôi
Không, em không có lỗi chỉ tại đường chân trời
Vẫn mọc xa vời vợi vẫn gợi về nhớ thương

Nội dung những bài đã nói lên tâm tư của mình, cuộc đời đi mãi mà hình như chân lý mà mình chưa đạt được. Bài Người bộ hành và ngôi sao xanh cũng có triết lý. Về sau tôi viết nhiều viết những tâm tình riêng vì giờ hết chiến tranh rồi.

 * Về khí nhạc:

Tôi không viết nhiều khí nhạc vì đó không phải là sở trường của tôi. Tôi nhớ có lần anh Trần Quý bảo tôi là anh phải viết về khí nhạc thì mới trở thành nhà soạn nhạc, nhạc sĩ được. Nhưng quan điểm của tôi hoàn toàn khác. Tôi cũng nghe rất nhiều tác phẩm của Shostakovich, Rachmaninoff Nếu mình học, mình có thể viết được, nhưng dại gì mình bỏ cái sở trường của mình để chạy theo một cái mà nghe thì oai, có vẻ bác học. Giờ lớp trẻ cứ viết,  nhưng cái gì cũng thế, cuối cùng nó cũng phải có đời sống, không có đời sống không có ý nghĩa gì cả. Nếu như sau khi đi học về, tôi mà chỉ ngồi viết khí nhạc thì không có Huy Du hôm nay. Tất nhiên nói như vậy không phải coi thường anh em viết khí nhạc, bởi đấy là cái thích thú của từng người, nhưng tránh cái quan niệm viết ca khúc thì không phải tầm cỡ nhạc sĩ! Cái đó hoàn toàn sai, cũng có rất nhiều người viết ca khúc có trình độ. Trên thực tế giao hưởng ở ta chưa hề có một truyền thống từ xa xưa, tuy nhiên tôi vẫn khuyến khích việc phải làm thì vẫn phải làm, nhưng không có nghĩa là không viết giao hưởng thì chưa phải là nhạc sĩ.

Về khí nhạc tôi chủ yếu viết nhạc phim, nhạc cho sân khấu. Khi tôi viết Miền Nam quê hương ta ơi!, nhiều anh em bảo tác phẩm đó nghe có vẻ nhạc viện quá! Thì đúng là tôi học ở Nhạc viện ra thì tôi phải hơi Nhạc viện một chút, như Đàm Linh viết thì rất Shostakovich. Khi viết khí nhạc, tôi rất trọng giai điệu nên ở trong tác phẩm tôi cố vận dụng đưa các chất liệu dân gian, đưa cả Cải lương, dân ca vào. Trong khí nhạc, tôi có quan niệm còn đang gây tranh luận - đó là dù là giao hưởng, mà mất đi chất giai điệu là không hay. Mình là người Việt Nam, nghĩ cho cùng mình viết cho ai? Khí nhạc phải xem lại nên viết như nào cho thích hợp. Có những tác phẩm khí nhạc rất đi vào lòng người như khúc đàn bầu của anh Huy Thục bởi vì nó có cái gì đó gắn vào quê hương vào dân tộc, tất nhiên phải áp dụng kỹ thuật hòa thanh, áp dụng các thủ pháp.

2. Những chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp về nhạc sĩ Huy Du tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ

* Giáo sư Hoàng Dương: Nói về anh Huy Du thì GS Trần Quốc Vượng đã khái quát đủ rồi. Tôi cảm nhận chất trữ tình, chân thành trong âm nhạc của anh ý. Ngày xưa ở liên khu III tôi đơn ca rất nhiều bài của anh Huy Du như: Những gác chuông giáo đường, Ba Vì năm xưa… Tôi rất thích nên về sau giải phóng là tôi ấn hành in ngay. Bài Những gác chuông giáo đường rất hay và là một trong những thành công của Huy Du theo tôi đánh giá, nó rất đặc sắc bởi vừa mở đầu là cất cao trào ngay ở âm khu cao, như một lời tuyên ngôn; đấy là một đặc điểm rất ít có ở các ca khúc khác. Rất  hoành tráng, ngay từ đầu tạo dáng dấp nguy nga, bề thế của Thánh ca (Choral). Trong suốt tiến trình của tác phẩm, nó rất logic và tạo tình huống đầy xúc cảm - lúc day dứt, lúc trầm lặng, khi đầy tính huyền bí (Religion) rất lắng đọng (chỗ tay làm dấu nguyện Cha - Con và Thánh thần – Amen). Tôi hát bài đó với phần đệm dàn nhạc thì lúc ý rất nhiều người khóc. Sau này tôi cũng là chính là một thính giả rất yêu bài Đường chúng ta đi, vợ tôi cũng thế, hai vợ chồng mùa xuân nào cũng được nghe vào lúc giao thừa. Đấy là một niềm vui cảm khái vô cùng, nhất là câu “ vui sao ta chẳng nói nên lời”, cái ý đẹp lắm, nó đầy chất chính ca nhưng lại rất quyến rũ, thể hiện tinh thần dân tộc rất cao nhưng không khoa trương, nói về những việc rất lớn nhưng không cường điệu mà vẫn lắng sâu vào tâm hồn của người nghe. Theo tôi đấy là một thành công, có giá trị như một bản giao hưởng hùng tráng. Một tác phẩm như Đường chúng ta đi còn mang sức mạnh về âm nhạc và cảm xúc nghệ thuật rất lớn, có giá trị với cuộc sống, có cả chất lãng mạn, sử thi hoành tráng và tình yêu nước, tất cả nó bao quát trong tác phẩm đó, lần nào tôi nghe cũng thấy xúc động.

* Nhạc sĩ Trần Quý: Tôi có may mắn là học trò của anh Huy Du. Anh là người thày dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên và đưa tôi vào con đường âm nhạc cách đây 55 năm ở trường Thiếu sinh quân của Liên khu III. Tôi cùng anh Phan Phúc -  học trò violon của anh Huy Du đều là thiếu sinh quân lúc ý. Cho nên hôm nay gặp nhau ở đây rất nhiều cảm xúc. Anh Du có nhắc đến làng Ngọc Nhị ở chân núi Ba Vì mà anh sáng tác bài Ba Vì năm xưa làm chúng ta nhớ lại những năm tháng đó. Thế rồi chúng tôi hành quân lên Vũ Ẻn ở Phú Thọ, nơi mà cả thầy lẫn trò ăn sắn với cọ 6 tháng giời, chán quá nghiền sắn làm xôi ăn cho đỡ chán. Những kỷ niệm đó không thể quên được. Lúc ý anh Du dạy chúng tôi học nhạc cùng các thày khác dạy văn hóa, chính trị, quân sự. Chúng tôi quý và thích lắm. Hồi đó vào giờ nghỉ buổi tối hay đêm trăng, chúng tôi cứ lẻn ra nghe anh ý kéo violon ở ngoài đồi. Anh Trần Quốc Vượng hay chúng ta đều nhận thấy ở trong anh Huy Du có tính chất trữ tình, lãng mạn trong sáng đẹp và thấm sâu ghê lắm qua các ca khúc trước cách mạng và trong cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp. Khi trên đội Thiếu sinh vệ quốc quân do anh Đỗ Nhuận, anh Trọng Loan phụ trách tuyển những thiếu sinh có năng khiếu âm nhạc, chính anh Du đã chọn tôi, anh Phúc, anh Lê Lan và vài anh nữa. Sau đó anh Nhuận, anh Trọng Loan dạy chúng tôi về âm nhạc và đấy là những bước đi đầu tiên đến với âm nhạc trong cuộc đời của tôi. Cứ gặp anh Huy Du chúng tôi lại nhớ một người anh, người thày đã dìu dắt chúng tôi đi vào con đường nghệ thuật.

Năm 1987 Hội Nhạc sĩ Liên Xô mời đoàn nhạc sĩ Việt Nam sang biểu diễn những tác phẩm giao hưởng của Việt Nam, trong đó có tác phẩm của anh Huy Du, chị Nhung, anh Nguyễn Đức Toàn, Đàm Linh, Chu Minh, Ca Lê Thuần, Hoàng Việt. Tôi may mắn được cử đi chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Novosibirsk, tôi tập với các nhạc công ở đó, họ có nhận xét: Họ thích bài của nhạc sĩ Huy Du  (Bài Miền Nam quê hương ta ơi do nghệ sĩ Tạ Bôn chơi solist), giai điệu rất đẹp, để lại nhiều cảm xúc khi nghe.

* Nhạc sĩ Huy Thục: Trong kháng chiến chống Pháp, tôi ở khu III không cùng chỗ với anh Huy Du nhưng trong chiến tranh chống Mỹ chúng tôi ở cùng tổ sáng tác. Năm 1951 tôi đã từng kéo  violon bài Những gác chuông giáo đường, Ba Vì năm xưa, Sẽ về thủ đô, rồi đến giai đoạn hòa bình tôi ở gần anh Huy Du nhiều hơn và tôi rút ra những kinh nghiệm về đặc điểm viết của anh để học hỏi là thế này:

- Thứ nhất là tính giai điệu với tư duy đa thanh. Anh Huy Du coi trọng giai điệu. Trong giai điệu có tư duy đa thanh. Từ Tôi yêu hòa bình cho đến khi chúng tôi làm hợp xướng 4 chương do anh Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam đặt (anh Lâm ý): tôi viết chương I - Việt Nam toàn thắng năm 72), Doãn Nho viết chương II - Lên đường, anh Huy Du viết chương III - Việt Nam trên đường chúng ta đi, Lê Lan viết chương IV. Ngày ý chương III là Kim Oanh đơn ca với dàn nhạc, còn ngày nay Đường chúng ta đi hay hát theo kiểu 3 bè Nam.  Tôi mới thấy, ngay từ cái nhỏ đến cái lớn từ nhạc không lời Việt Nam quê hương ta ơi! cách viết  của anh không chuyển điệu đột ngột như một số nhạc sĩ học ở nước ngoài. Từ Trên đỉnh Trường Sơn ta hát đến Nổi lửa lên em, giai điệu vẫn mang tư duy đa thanh, kể cả những sáng tác gần đây của anh vẫn thế. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Du viết bài Anh vẫn hành quân, anh ý bỏ qua tất cả các thủ pháp về khúc thức học của thế giới là bởi vì nếu theo đó khi mô phỏng, nhắc lại âm hình là phải chuyển điệu. Nhưng anh Du không chuyển điệu mà chỉ treo ở nốt Mi. Đấy là cách của nhạc sĩ Việt Nam gắn liền với tính giai điệu trong dân ca của ta. Dân ca của ta luôn luôn được nhắc lại, củng cố được âm hình và tạo điều kiện cho quần chúng nhớ. Dù anh viết nhỏ hay quy mô lớn cùng với chúng tôi thì anh vẫn coi trọng giai điệu và trong giai điệu, chưa kể đến lời, nó có sự kế thừa dân ca. Các anh học ở nước ngoài, các anh ý có bút pháp của các anh ý, anh Huy Du có thành công của anh ý. Chúng ta phải học tư duy của nước ngoài nhưng phải biết đối tượng thưởng thức nghệ thuật của mình là quần chúng, thủ pháp có cao thủ như thế nào thì đối tượng trước mặt mình cuối cùng vẫn là quần chúng.

* Nghệ sĩ Phan Phúc: Tôi là một trong những người học trò đầu tiên về violon của thầy Huy Du. Hồi đó tôi mải chơi, có lúc đến giờ thày lên lớp mà không thấy lên lớp là bị cho cái bạt tai. Có lẽ cái bạt tai nghiêm khắc và thương yêu mang tình anh em - tình gia đình đã làm cho tôi lớn lên, tiến bộ lên và trưởng thành lên có thể đi được suốt chặng đường âm nhạc cho tới ngày nay. Tôi vinh dự là người đầu tiên biểu diễn tác phẩm của anh Huy Du - Miền Nam quê hương ta ơi, Trio Sông Hồng - cùng với anh Hoàng Dương, chúng tôi đã thu cách đây gần 50 năm do DIHAVINA phát hành và hiện nay vẫn sử dụng, không hề bị lạc hậu. Nhân đây tôi cũng xin được cám ơn người anh, người thầy

* Một nghệ sĩ khách mời khác: Cái thứ nhất tôi tâm đắc với anh Huy Du là: không có cảm xúc không sáng tác được, người ta không thể vẽ ra cảm xúc. Có lần anh Khoát cũng nói với tôi là xuất phát từ cảm xúc thì kết thúc cũng hết bằng cảm xúc. Tôi cho rằng cái cảm xúc nó là cái khởi đầu cho mọi sáng tác, sự nghiệp của chúng ta. Tôi thích bởi vì nó đúng là những cảm xúc tạo nên những luồng xoáy bằng âm thanh và nó vào con người ta một cách dễ dàng. Cái đặc biệt của Huy Du là cái bút pháp về sáng tác của Huy Du nó có nghề, bay bổng lắm, không chịu vào khuôn nào cả, không giống ai, độc đáo, có đường đi rõ ràng, có môi trường riêng của nó. Tôi phục Huy Du trong cách xử lý tài tình về giai điệu. Nãy Huy Thục có nói về nốt treo, nốt chủ. Tôi nghĩ là nếu đem bài Anh vẫn hành quân ra mà phân tích thì bài đó rất dễ chỉ có 2 nốt là cao độ chính - nốt Chủ (T) và nốt Át (D). Cứ thế mà treo từ đầu đến cuối, thế mà nó thành ra bài hành khúc, lại được rất nhiều người yêu thích, rất là hiếm, chỗ đó tôi cho là do có cảm xúc. Hay các tác phẩm khác như Nổi lửa lên em, Đường ra trận, Bế Văn Đàn ơi, Nguyễn Viết Xuân… cũng thế. Chúng có một giai điệu bay bổng, du dương và rất hào hùng. Cái chất hào hùng có thêm cảm xúc tốt thì nó không khoa trương, không lên gân mà vào lòng người ta rất êm dịu. Tôi cho rằng cách mở trong ca khúc của anh Huy Du rất phóng khoáng, không có gì gò bó, cảm xúc chiếm lĩnh toàn bộ ca khúc. Cái đó là cái quý sẽ sống mãi. Nếu tôi không nhầm thì bài Anh vẫn hành quân đã trở thành nhạc không lời từ ngày có đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang, biên tập thành độc tấu sáo và nó càng ngày càng nổi, đó là cái hay. Tôi nghĩ rằng một nhạc sĩ hoàn toàn trung thành với cảm xúc của mình, không lắp cái nọ vào cái kia, không chắp vá không đi lệch hướng của mình thì cái đó là tốt. Tôi nghĩ có thể dùng chữ libertin nghĩa là tự cởi mở mình, rất thoải mái, nhưng không sai và có quy luật. Nhiều khi hát tác phẩm của Huy Du, tôi lại liên tưởng tới văn chương của Tự lực văn đoàn ngày xưa, tôi thấy cách viết của Thạch Lam rất gần với Huy Du, rất phóng bút  phóng đúng vào ý thích của mình. Như cái cách ông Khái Hưng tả tiếng đàn dương cầm rất tự do, hoàn toàn bằng cảm xúc khi nghe âm nhạc, mà khi nó chưa hết thì ông vẫn tả. Nhạc của Huy Du cũng vậy!

* Nhạc sĩ Huy Du: Rất cảm ơn ý kiến của các anh chị ở đây hôm nay, tôi rất vui mừng và một lần nữa cảm ơn Viện Âm nhạc đã cho chúng tôi có dịp gặp nhau như này, với tuổi tôi bây giờ đó là điều hết sức quý giá. Cảm ơn những chia sẻ, động viên của các anh chị, các bạn đồng nghiệp đã dành thời gian để lắng nghe tôi giãi bày những tâm sự về những năm tháng mà đến hết cuộc đời tôi cũng không thể quên được. Xin chân thành cảm ơn tất cả.

Chú thích:

1. Nay là Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội.

2. Bây giờ phố đó gọi là phố Ngũ Xã, còn phố Trần Hưng Đạo sau Cách mạng Tháng Tám chuyển về phố Gambetta tức là phố Trần Hưng Đạo ngày nay

Theo Nghiên cứu Âm nhạc số 66 tiếng Việt

Add a Comment